Như Thanh là một huyện miền núi, cách Thành phố Thanh Hóa 35km về phía Tây Nam. Trải qua quá trình lịch sử hình thành và phát triển, với nhiều tên gọi khác nhau, song với sự quan tâm giúp đỡ của cấp trên, sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện, Như Thanh đã thay đổi một cách toàn diện. Những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của huyện Như Thanh ngày nay.

Trước kia vùng đất Như Thanh thuộc huyện Cư Phong sau đó thuộc huyện Cửu Chân (Thanh Hóa), Ngày 18/11/1996, huyện Như Thanh được tách ra từ huyện Như Xuân theo Nghị định 72/CP của Chính phủ, với 16 xã và 171 thôn, tổng diện tích từ nhiên 558,29km2, dân số 76.000 người. Năm 2002 thị trấn Bến Sung được thành lập, lúc này Như Thanh có 195 thôn thuộc 16 xã và 1 thị trấn. Thực hiện Nghị quyết s 786/NQ-UBTVQH14, ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Quốc hội khóa XIV về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, huyện Như Thanh còn lại 13 xã, 1 thị trấn với 165 thôn, khu phố, dân số trên 96.000 người.

          Huyện Như Thanh hội tụ nhiều tiềm năngyếu tố thận lợi của một huyện trung du miền núi Bắc Trung Bộ. Có địa hình đa dạng: vùng núi, vùng đồi, vùng đồng bằng. Như Thanh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; có 3 dân tộc chủ yếu Kinh, Mường, Thái cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một bản sắc riêng, nhưng có điểm chung là cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất; nghị lực vượt khó vươn lên, giàu lòng nhân ái trong cuộc sống, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

 Phát huy truyền thống quê hương Thanh Hóa anh hùng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Như Thanh đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 15%/năm. nếu như năm 1997 mới chỉ đạt 87,5 tỷ đồng thì đến năm 2020 đạt 5.730 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2 triệu đồng/người/năm (1997) lên 37,5 triệu đồng/người/năm vào năm 2020. Cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng tích cực: năm 1997 tỉ trọng Nông lâm - Thủy sản, CN- XD, Dịch vụ - Du lịch là: 81,6% - 7,5% - 10,9% thì đến năm 2020 là: 20,5% - 46,5% - 33%.

Trong phát triển nông nghiệp, huyện Như Thanh đã tạo bước đột phá với nhiều chương trình, dự án, đề án được triển khai thực hiện, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Đặc biệt, mô hình cấy lúa hàng rộng hàng hẹp, bón phân nén dúi sâu đã làm năng suất lúa hàng năm (từ 31,5 tạ/ha năm 1997 tăng lên trên 60 tạ/ha năm 2020). Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm được nhân rộng, điển hình như: mô hình trồng đào cảnh, trồng ớt xuất khẩu ở xã Xuân Du, trồng riềng ở xã Cán khê, trồng bưởi, trồng dong ở xã Yên Lạc... Đặc biệt, có 3 sản phẩm: Mộc nhĩ khô, nấm linh chi, nấm bào ngư xám của HTX hữu cơ Trúc Phượng, xã Yên Thọ được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Huyện đã ban hành một số đề án hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, nhờ đó, từ một huyện chủ yếu đất trống, đồi núi trọc, đến nay độ che phủ rừng của huyện đạt trên 56%. Kinh tế lâm nghiệp phát triển mạnh, trong đó huyện quan tâm phát triển rừng gỗ lớn gắn với các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nuôi các con nuôi đặc sản, đã góp phần phục hồi môi trường sinh thái và mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân.

 Các Dự án chăn nuôi quy mô lớn phát triển nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa như: Trang trại bò sữa tại xã Phú Nhuận với quy mô hơn 2.000 con, Trang trại chăn nuôi lợn ngoại tại xã Xuân Khang quy mô 6000 con,... Hiện nay, toàn huyện hiện có 333 trang trại, gia trại chăn nuôi, đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động thường xuyên và hơn 5.000 lao động thời vụ.

Cùng với đẩy mạnh khuyến khích phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn, huyện Như Thanh luôn quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, nhờ đó đã thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn huyện ngày càng nhiều như: Nhà máy Giày dép xuất khẩu; Khu trung tâm thương mại; Trường Mầm non Tư thục Nobel; nhà máy bê tông Việt Nhật; Trang trại bò sữa, Trang trại chăn nuôi lợn ngoại nhập Ao Trời. Nhiều dự án đã được tỉnh chấp thuận đang bắt đầu triển khai thực hiện như: Dự án Trang trại nông nghiệp công nghệ cao - Trại gà thịt 4A tại xã Mậu Lâm; trang trại chăn nuôi lợn hậu bị công nghệ cao xã Thanh Tân; dự án cây Cà gai leo công nghệ cao Cán Khê; dự án khu dân cư Thung Ổi; dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hải Long... Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu năm 2020 đạt 14 triệu USD. Tiểu thủ công nghiệp tiếp tục được quan tâm phát triển, một số nghề duy trì được sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cấp nước, điện, bưu chính viễn thông, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường; hạ tầng đô thị,… được tập trung đầu tư, cải tạo, nâng cấp theo hướng hiện đại.

Một trong những dấu ấn mang tính đột phá là huyện Như Thanh đã huy động trên 2.200 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó nguồn lực từ Nhân dân chiếm trên 61,5%. Nếu như ngày đầu huyện mới thành lập chưa có đường giao thông bê tông hoặc dải nhựa thì đến nay đã có trên 662km đường giao thông được dải nhựa và bê tông hóa, trên 94km kênh mương được kiên cố hóa, làm mới 170km đường điện chiếu sáng. Đến nay, toàn huyện có 65 thôn và 08/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỉ lệ 61,5%, giữ vững vị trí đứng đầu các huyện miền núi trong tỉnh. Kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn mới, khang trang, sạch đẹp, môi trường đảm bảo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa -xã hội đã có sự phát triển vượt bậc theo hướng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa và xã hội hóa, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Hoạt động quản lý văn hóa được quan tâm thực hiện tốt, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được nhân rộng; các hội thi, hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên tổ chức đã tạo không khí phấn khởi trong lao động sản xuất và cộng đồng dân cư, hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở được xây dựng và củng cố, đã kịp thời đưa thông tin đến với nhân dân trong huyện, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đến nay toàn huyện có có 229/237 làng, khu phố, cơ quan, trường học và 12/13 xã, thị trấn đã khai trương, phát động xây dựng đơn vị văn hóa, trong đó có 216 đơn vị và 10 xã được công nhận đơn vị văn hóa; thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị; có 81% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; có 40% người dân thường xuyên luyện tập thể thao; 24% gia đình được công nhận gia đình thể thao; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,75%. Những nét văn hóa dân tộc đặc sắc của khắp các vùng miền được bảo tồn, gìn giữ và phát huy, được tái hiện qua các điệu múa, điệu sạp của người dân tộc Thái, hát xường của người dân tộc Mường, múa hát chèo của xã Phú Nhuận, hát văn ở xã Xuân Du và nét văn hóa độc đáo của cộng đồng người Việt kiều Thái Lan ở thị trấn Bến Sung. Đặc biệt, lễ hội Kin Chiêng Booc Mạy của làng Rộc Răm xã Xuân Phúc được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia, làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân Như Thanh ngày càng phong phú, đa dạng và đậm đà bản sắc dân tộc

Sự nghiệp giáo dục đào tạo có nhiều chuyển biến tiến bộ, quy mô, mạng lưới trường lớp các cấp học, bậc học được mở rộng. Khi mới thành lập huyện chỉ có 01 trường THPT và chưa có trường học đạt chuẩn quốc gia, nhưng đến nay, các xã, thị trấn trong huyện đều có đủ 3 cấp học, có 3 trường THPT và 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên. Toàn huyện có 39/52 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 75%. Chất lượng giáo dục huyện Như Thanh luôn duy trì vị trí thứ 3/11 huyện miền núi.

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trạm y tế có bác sỹ, công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm thực hiện có hiệu quả; Năm 2020, tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân đạt 94%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14%.

Lao động, việc làm và an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ; công tác dân tộc, tôn giáo được triển khai thực hiện đúng quy định. Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được củng cố vững chắc; Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đảm bảo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác xây dựng Đảng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp ủy, tổ chức Đảng từ huyện đến cơ sở triển khai, quán triệt kịp thời, nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác chính trị, tư tưởng được quan tâm đúng mức và đạt nhiều kết quả thiết thực, Công tác tổ chức, cán bộ có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, tạo chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ, đến nay toàn Đảng bộ có 36 tổ chức cơ sở đảng với 4.585 đảng viên. Công tác xây dựng chính quyền được coi trọng; hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tiến bộ. Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố vững chắc.

 Như Thanh không chỉ biết đến với nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội mà còn là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Bến En (được ví như Hạ Long trên cạn), nơi bảo tồn rừng nguyên sinh với các nguồn gen động - thực vật quý hiếm như: voi, hổ, báo,... lim xanh, táu, sến, trắc, gụ,... kết hợp với hồ Sông Mực có 22 đảo lớn nhỏ, tạo thành một quần thể du lịch sinh thái hấp dẫn; có Hang Lò cao kháng chiến Hải Vân được xây dựng để phục vụ kháng chiến chống Pháp; đền Phủ Sung (thờ Bà chúa Thượng ngàn), di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh đền Khe Rồng ở thị trấn Bến Sung; đền Bạch Y công chúa ở Phú Nhuận. Đặc biệt, di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh Phủ Na (thờ Triệu Thị Trinh) ở xã Xuân Du thu hút hàng chục ngàn du khách mỗi năm,....

Nghị quyết số 58 NQ/TW, ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXIII về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá nói chung và huyện Như Thanh nói riêng, nhất là về phát triển du lịch đã và đang đi vào cuộc sống, cũng như nội dung Biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Sun Group và Tỉnh uỷ Thanh hoá sẽ mở ra triển vọng to lớn, thu hút, chào đón các nhà đầu tư lớn trong và ngoài tỉnh đầu tư cho sự phát triển của ngành du lịch Thanh Hoá, trong đó có Như Thanh.

 Những nỗ lực, cố gắng của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của địa phương, Như Thanh đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, huyện Như Thanh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất. Những thành tựu, công sức của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Thanh trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước đã ghi thêm vào truyền thống quê hương những trang sử hào hùng mới, đó là công sức, là trí tuệ và xương máu của lớp lớp các thế hệ những người con của quê hương Như Thanh đã bền gan, vững chí đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn để xây dựng và tiếp nối truyền thống quê hương, vững bước cùng cả nước tiến lên trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa quê hương đất nước.

          Với truyền thống đoàn kết và mục tiêu đã được xác định cùng với những triển vọng to lớn đã và đang đến gần, chúng ta có quyền tin tưởng rằng Như Thanh sẽ sớm trở thành huyện nông thôn mới, cùng cả tỉnh sớm hiện thực hóa khát vọng tịnh vượng, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ từng căn dặn./.