Thường trực Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng

(THO) - Ngày 9-8, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban mở rộng để nghe và cho ý kiến về Phương án quy hoạch, thiết kế dự án mở rộng Nghĩa trang liệt sĩ Hàm Rồng giai đoạn 2; Phương án xác định quy mô giường bệnh, vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc năm 2017 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh; việc đầu tư dự án Trang trại bò sữa Vinamilk Organic Thanh Hóa tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định và một số nội dung quan trọng khác.

Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị. Ảnh THO

 

Đồng chí  Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh, lãnh đạo một số ban, sở, ngành, địa phương liên quan.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Nghĩa trang liệt sĩ  Hàm Rồng là nghĩa trang lớn nhất của tỉnh, hiện là nơi an nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ con em Thanh Hóa và các miền Tổ quốc.  Nghĩa trang đã  được đầu tư, cải tạo, nâng cấp giai đoạn 1, thực hiện từ năm 2008 đến 2010 với kinh phí 20,454 tỷ đồng. Hiện nay, mật độ mộ trong nghĩa trang đã kín chỗ, không thể bố trí thêm. Để đáp ứng  nhu cầu quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn tiếp theo thì việc mở rộng, bố trí quy hoạch xây mới các khu mộ phía trong và công viên phía trước (giai đoạn 2) là cần thiết. Tại hội nghị, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh  đề xuất 2 phương án quy hoạch, thiết kế mở rộng Nghĩa trang Hàm Rồng giai đoạn 2. Phương án 1: Điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang hiện trạng theo hướng mở rộng phần hồ nước phía trước, giảm diện tích quy hoạch công viên cây xanh, quy hoạch bãi đỗ xe trong và ngoài bảo đảm phục vụ những dịp lễ lớn. Quy hoạch khu mộ mới phía sau kỳ đài cho khoảng 600 mộ liệt sĩ. Đường nội bộ trục chính dẫn lối vào nghĩa trang được tổ chức lại từ con đường hiện trạng. Ưu điểm của phương án này là tạo được không gian thoáng mát, rộng rãi, trang nghiêm, đồng thời bảo đảm đáp ứng yêu cầu khi tổ chức các hoạt động, sự kiện vào các dịp lễ lớn có tập trung đông người và phương tiện trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là do diện tích dành cho mặt nước phần hồ phía trước  và để xe nhiều làm giảm mật độ cây xanh, bóng mát dành cho khu vực công viên và tổng thể nghĩa trang.

Trong khi đó, phương án 2 sẽ thực hiện phân khu chức năng tương tự như phương án 1. Tuy nhiên giải pháp xử lý chi tiết cho từng không gian có sự khác biệt. Đáng lưu ý là các hạng mục như  cổng, tường được trang trí hoa văn kết hợp tạo điểm nhấn về cảnh quan trong công viên, tạo ra những điểm nhìn dẫn dắt thành câu chuyện về văn hóa lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.  Ưu điểm của phương án này thể hiện được những nét đặc trưng cơ bản của văn hóa xứ Thanh, nhắc nhở về truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, tạo được nhiều không gian xanh bao phủ bóng mát. Tuy nhiên nhược điểm của phương án này là không gian được quy hoạch ưu tiên cho cây xanh nên có phần hạn chế về không gian cho các hoạt động  tập trung đông người.

Sau khi nghe các  đại biểu thảo luận, phân tích  làm rõ những ưu điểm, hạn chế của cả 2 phương án, phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến thống nhất phương án quy hoạch, thiết kế dự án mở rộng Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng giai đoạn 2.  Nhưng yêu cầu  kết hợp cả 2 phương án đã đề xuất, điều chỉnh một số chi tiết để tạo thành 1 phương án tối ưu nhất, bảo đảm hợp lý diện tích bãi đỗ xe, diện tích cây xanh, hồ điều hòa, cảnh quan, kiến trúc để  vừa tạo được sự  trang nghiêm, linh thiêng của công trình nghĩa trang liệt sĩ, phát huy giá trị truyền thống yêu nước, lịch sử cách mạng, vừa tạo nên một  không gian công viên nghĩa trang sinh thái như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã áp dụng.

 
Báo cáo về Phương án xác định quy mô giường bệnh, vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và số lượng người làm việc năm 2017 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cho biết: Thời gian qua, trên cơ sở hệ thống tổ chức bộ máy hiện có Bệnh viện Đa khoa tỉnh  đã nỗ lực đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên,  trên thực tế nhiều năm gần đây số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện luôn cao hơn so với số kế hoạch được giao (số giường bệnh thực kê là 1.638 giường/800 giường theo kế hoạch, công suất sử dụng giường bệnh bình quân những năm gần đây là 190%). Việc quá tải bệnh nhân, giường bệnh gây khó khăn trong việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh của người bệnh bảo hiểm y tế, thiếu nhân lực để bố trí lao động theo vị trí việc làm như quy định cũng như bảo đảm chế độ chính sách cho người lao động. Vì vậy cần thiết phải xây dựng Phương án nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay, giảm quá tải tại bệnh viện, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ, về tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, viên chức lao động, thu hút nguồn nhân  lực có trình độ về công tác tại bệnh viện.
 
Sau khi lắng nghe Ban cán sự đảng UBND tỉnh đề xuất cho thí điểm thực hiện phương án  tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các ý kiến thảo luận, góp ý tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã  thống nhất với đề xuất tăng quy mô giường bệnh của bệnh viện lên 1.200 giường (trong đó giường bệnh thực hiện theo cơ chế tự chủ là 400 giường); tổng vị trí việc làm là 19; tổng số lượng người làm việc được bố trí theo vị trí việc làm là 1.740 người; lộ trình thực hiện số giường bệnh và số lượng người làm việc theo cơ chế tự chủ trong 3 năm , từ 2017 đến 2019. Đồng chí  cũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng sớm triển khai  xây dựng phương án như trên trong toàn  ngành y tế, đẩy nhanh quá trình thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Quá trình thực hiện cần có sự kiểm soát chặt chẽ  việc thu hút, tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng vào làm việc tại các bệnh viện, góp phần bảo đảm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân.
 
Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy cũng đã nghe và thống nhất chủ trương đầu tư dự án Trang trại bò sữa Vinamilk Organic Thanh Hóa tại thị trấn Thống Nhất, Yên Định. Dự án do Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa làm chủ tư, thực hiện áp dụng quy trình công nghệ cao trong sản xuất chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa nhằm cung cấp sữa tươi sạch chất lượng cao cho thị trường, góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm cho lao động địa phương và tăng thu ngân sách.  Dự án được thực hiện trên diện tích khoảng 214,6 ha, tại thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, có tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm khu chuồng nuôi, nhà vắt sữa, khu vực tách ép, xử lý phân, xử lý chất thải, kho cỏ rơm, đồng cỏ.. . và các công trình hạ tầng kỹ thuật phụ trợ; công suất chăn nuôi 2.000 con bò sữa hữu cơ. Phát biểu kết luận nội dung này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan sớm triển khai các nội dung để dự án được triển khai theo đúng tiến độ, tạo sức hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, phát triển bền vững.

Cũng tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác. 

Xuân Linh theo THO