UBND xã Xuân Phúc khai Hội Kin Chiêng Boọc Mạy - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017

Ngày 3 tháng 3 tứ là ngày 15 tháng giêng, tại làng Rộc Răm, UBND xã Xuân Phúc tổ chức Lễ khai Hội Kin Chiêng Boọc Mạy. Lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2017. Về dự khai hội có đồng chí Lê Văn Hùng – Phó bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND Huyện; đồng chí Lương Văn Hoàn – Ủy viên Ban thường vụ - Phó chủ tịch UBND Huyện; các đồng chí trong ban thường vụ huyện ủy, thường trực HĐND – UBND – UBMTTQ Huyện, các đồng chí thành viên BCĐ đời sống văn hóa Huyện, thủ trưởng các cơ quan ban ngành đoàn thể của huyện, lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền, cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc làng Rộc Răm và đại diện các thôn, bản trong xã.

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là một nét văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái ở xã Xuân Phúc là một sinh hoạt văn hóa dân gian được cộng đồng người Thái và được lưu truyền cho các thế hệ sau này. Đến nay, lễ tục này đã không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Hàng năm người Thái ở làng Rộc Răm xã Xuân Phúc thường tổ chức lễ hội để nhân dân bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Những năm gần đây khi đời sống được nâng cao người Thái nơi đây còn tổ chức lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy vào dịp cơm mới ngày 15/11 Âm lịch hàng năm.

Theo nghi lễ, Công tác chuẩn bị cây bông cho lễ hội được bắt đầu từ những ngày đầu tháng chạp. Thân cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, Các cành hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục.  người ta cắt gọt hoa ngay khi mới chặt cây từ trong rừng về sau đó đem đồ chín, phơi khô, nhuộm màu bằng nhựa các loại vỏ cây, xâu hoa bằng sợ các cây rừng, với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất treo trên cây bông, được đan bằng nứa, Tùy thuộc vào thế hệ nhà Mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện nay, cây bông trong Lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy làng Rộc Răm được làm 9 tầng, với hàng ngàn hoa đồng tiền từ 30 – 40 cánh, gồm đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng.  Cây bông tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi trù phú của Bản mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Ngoài chuẩn bị cây bông còn có Dàn trống âm tại đền cấm, Lễ vật gồm từ 5 - 7 vò rượu cần, hai con lợn, hai con gà cùng cá nướng, trầu, cau… 

Từ sáng sớm ngày 15 tháng riêng, đoàn rước cây bông đã tập trung đông đủ các thành phần tại nhà văn hóa để chuẩn bị nghi thức rước cây bông về cúng tế tại Thành Hoàng của làng. Các nam thanh nữ tú trong làng được lựa chọn rước kiệu rước cây bông đều là những người chưa vợ chồng, có học vấn, có đạo đức, Đội hình đoàn rước đi đầu là người có uy tín trong làng, điều hành lễ rước, tiếp đến là đông đảo nhân dân địa phương và du khách chen chân theo trước và sau đoàn rước. Khi đoàn rước về đến sân Thành hoàng của làng, lễ dựng cây bông và lễ khai hội bắt đầu. Đội tế lễ bắt đầu vào phần việc của mình. Các bước tế lễ được các vị tiền bối thực hiện một cách thuần thục và nghiêm trang. Sau lễ cúng, dân làng múa hát xung quanh cây hoa, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo đầy ắp tiếng cười, nhộn nhịp hơn là múa tập thể. Tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều vào cuộc múa, múa hết mình hòa lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống, tiếng khua luống, tiếp dập của ống nứa nhảy sạp, tượng trưng cho sấm, mưa cho sự phồn thực với mong ước của một mùa màng tươi tốt.

Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy là di sản văn hóa phi vật thể đặc biệt có giá trị, trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái ở làng Rộc Răm, xã Xuân Phúc, nói riêng và người Thái ở miền núi Như Thanh nói chung. Sức sống của di sản này được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thông qua lễ tục, toàn bộ đời sống bản Mường cổ truyền được tái hiện, bao gồm văn hóa sản xuất, ứng xử tín ngưỡng, văn hóa nhận thức về tự nhiên, xã hội, con người. Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy thực chất là một giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, song lại ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản Mường. Vì thế đã thu hút được cả cộng đồng dân cư cùng chung sống trong bản, trong mường và các vùng lân cận khác tham dự. Việc lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đúng vào dịp này là dấu ấn quan trọng để mọi người dân xã Xuân Phúc nói riêng, và người dân Như Thanh nói chung đồng lòng, đồng sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc./.

Lê Thi - Quốc Thịnh