Huyện Như Thanh tổ chức đón nhận Bằng Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông “Kin chiêng bọoc mạy”

Sáng 24/11, huyện Như Thanh long trọng tổ chức đón Bằng công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông. Người dân tộc Thái gọi là “Kin chiêng bọoc mạy”.

Thừa ủy quyền của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa TT&DL, Đồng chí Lương Văn Hoàn, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện

trao Bằng công nhận cho Làng Rộc Răm, xã Xuân Phúc.

Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông “Kin chiêng boọc mạy” là một nét đẹp văn hóa tinh thần độc đáo, lâu đời của cộng đồng người dân tộc Thái làng văn hóa Roọc Răm xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, được tổ chức hàng năm vào dịp tháng Giêng, tháng Hai. Gần đây, khi đời sống được nâng cao người Thái nơi đây còn tổ chức lễ vào dịp cơm mới ngày 15/11 âm lịch nhằm để bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất cầu mong mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân. 

Đồng chí Lương Văn Hoàn, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh cồng khai mạc buổi lễ

Các đại biểu và nhân dân tham dự lễ hội “Kin chiêng boọc mạy”

Trong Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông “Kin chiêng boọc mạy” ngoài phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi, trò diễn như: Đánh mảng, nhảy sạp, ném còn, đặc biệt là hát múa ăn mừng dưới cây bông. 

Một số hoạt động tại buổi lễ “Kin chiêng bọoc mạy” 

Cây bông là vật trung tâm trong lễ hội, thân cây bông được làm bằng tre hoặc luồng, các cành hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, con thú hay dụng cụ lao động sản xuất, cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện nay, cây bông trong Lễ hội “Kin chiêng bọoc mạy” làng Roọc Răm xã Xuân Phúc được làm 9 tầng, với hàng ngàn hoa đồng tiền từ 30 đến 40 cánh, gồm đủ loại màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng.  Cây bông tượng trưng cho cuộc sống sinh sôi trù phú của bản mường, sự bảo tồn nòi giống của tự nhiên. Ngoài cây bông còn có dàn trống âm; lễ vật gồm rượu cần, thịt lợn, gà cùng cá nướng, trầu, cau…Thông qua Lễ hội, toàn bộ đời sống của bản mường cổ truyền được tái hiện lại bao gồm văn hóa sản xuất, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa ẩm thực đặc thù, kho tàng tri thức dân gian của cộng đồng cư dân người Thái... Vì vậy, Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông “Kin Chiêng Boọc Mạy” thực chất là một chân giá trị về văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, ra đời và tồn tại cùng với sự vận hành của thiết chế bản mường.

 

 

Một số hoạt động tái hiện lại đời sống sinh hoạt của người Thái

Lễ Hát múa ăn mừng dưới cây bông “Kin chiêng bọoc mạy” được công nhận Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia là nguồn cổ vũ động viên, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện Như Thanh, phấn đấu xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong đời sống tinh thần của nhân dân cũng như phục vụ phát triển du lịch.

Đoàn Dũng