Chiều 19/9/2023. UBND huyện Như Thanh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lương Văn Hoàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Phụ trách Đảng bộ huyện; Đồng chí Quách Thị Oanh, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện, Phụ trách HĐND huyện; Các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy; Thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện; Trưởng các ngành, đoàn thể huyện, Trưởng các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND, Cán bộ Công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách lĩnh vực Lao động - Thương binh & Xã hội 14 xã, thị trấn; Đại diện các tập thể và hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.
Đồng chí Lê Ngọc Hoa, Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện khai mạc và chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị các đại biểu được nghe và xem báo cáo trực quan bằng hình ảnh về sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Báo cáo nêu rõ: Ngay sau khi Trung ương, tỉnh phê duyệt các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện kịp thời việc thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 ở cả 2 cấp, cấp huyện và cấp xã.
Trên cơ sở Quyết định số 90 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 257 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn đã quan tâm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2021 đến nay, các phòng ban, đơn vị, tổ chức đoàn thể và các địa phương trong huyện đã phối hợp Trung tâm Văn hóa, thông tin thể thao và Du lịch huyện, Đài truyền thanh xã phát sóng nhiều bài viết tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo; giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo tại cộng đồng; xây dựng các cụm pa-nô, áp-phích; tiếp nhận ấn phẩm thông tin về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; cấp phát hàng nghìn tờ rơi tuyên truyền về công tác giảm nghèo cho các địa phương trong huyện
Theo báo cáo, Từ năm 2022 đến nay, tổng nguồn vốn sự nghiệp Chương trình MTQG được tỉnh giao cho huyện Như Thanh 7 tỷ 733 triệu đồng. Trong đó, năm 2022 là 2 tỷ 108 triệu đồng; năm 2023 là 5 tỷ 625 triệu đồng. Được phân bổ theo từng dự án: Dự án 2, đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo là 3 tỷ 859 triệu đồng; Tiểu dự án 1, thuộc dự án 3 - Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp là 1 tỷ 852 triệu đồng; Tiểu dự án 2, thuộc dự án 3 - Cải thiện dinh dưỡng là 293 triệu đồng; Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 4 - Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn là 548 triệu đồng; Tiểu dự án 1, thuộc dự án 4 - Hỗ trợ việc làm bền vững 465 triệu đồng; Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 6 - Giảm nghèo về thông tin là 105 triệu đồng; Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 6 - Truyền thông về giảm nghèo đa chiều là 123 triệu đồng; Tiểu dự án 1, thuộc dự án 7- Nâng cao năng lực thực hiện chương trình 318 triệu đồng; Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 7 - Giám sát đánh giá 170 triệu đồng. Từ nguồn vốn sự nghiệp vốn ngân sách Trung ương, UBND huyện đã giao cho các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp sát với điều kiện thực tế tại địa phương như: đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giúp các hộ nghèo có thêm động lực và điều kiện để vươn lên thoát nghèo. Với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng; từ các chương trình và nguồn xã hội hóa giúp hộ nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, trong 2 năm đã có gần 200 hộ được xóa nhà tạm và sửa chữa nhà; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, trong đó có gần 300 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; Cùng với đó, các Chính sách về giáo dục và đào tạo; y tế và dinh dưỡng; Chính sách về nhà ở; Chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ pháp lý; hỗ trợ, hưởng thụ văn hóa, thông tin; Chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường; Chính sách tín dụng; Chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo được triển khai chi trả kịp thời. Từ những nguồn lực hỗ trợ của chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, tác động trực tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 4,9%. Từ 11,4% xuống 6,5%; giảm 1.162 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 5%, từ 11,8% xuống còn 6,8%, Giảm 1.210 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 420 hộ. Do làm tốt công tác giảm nghèo góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đến nay thu nhập bình quân đầu người ước đạt 47,29%. Diện mạo nông thôn đã có nhiều đổi mới, đời sống dân cư nông thôn được cải thiện rõ rệt, gắn với kết quả giảm nghèo đa chiều bền vững. Vì vậy giai đoạn 2021-2022, toàn huyện có là 09 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 69,2%; 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 71 thôn đạt chuẩn NTM, 14 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhưng vẫn còn hạn chế đó là nhiều quy định, trình tự thủ tục hướng dẫn chậm nên việc triển khai thực hiện một số dự án thuộc Chương trình còn chậm, nhất là những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, người cận nghèo, người mới thoát nghèo về phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề của Chương trình, gồm: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản nào quy định cách xác định “người lao động có thu nhập thấp”, do đó khó khăn trong việc tuyển sinh, mở lớp đào tạo nghề.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, thể hiện sự đồng tình cao với báo cáo sơ kết, đồng thời tham gia nhiều ý kiến, bổ sung thêm nhiệm vụ, giải pháp, một số kinh nghiệm rút ra qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
 |
|
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị đồng chí Lương Văn Hoàn, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy, Phụ trách Đảng bộ huyện ghi nhận những kết quả đã đạt được trong hơn 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bền vững, đồng chí đề nghị cần tập trung huy động và phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền, các cấp, các ngành, Mặt trận, đoàn thể, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tham gia vận động, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Rà soát kỹ số hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng các chính sách hỗ trợ theo quy định của nhà nước, tập trung các nguồn lực hỗ trợ để người nghèo tiếp cận các chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, tích cực tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề để người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể, các đơn vị có liên quan phối hợp với phòng Lao động -TB&XH để tổ chức triển khai chương trình, đảm bảo yêu cầu, góp phần thực hiện chương trình đạt mục tiêu đề ra.
 |
 |
 |
Nhân dịp này, UBND huyện đã trao khen thưởng cho 9 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua giảm nghèo bền vững thời gian qua.