6 nhiệm vụ trọng tâm cho Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025
Chiều ngày 15/6/2023, đồng chí Nguyễn Văn Thi- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã chủ trì hội nghị nghe dự thảo báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về tình hình thực hiện Quyết định số 623-QĐ/TU, ngày 23/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển du lịch (CTPTDL) Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh.
Theo dự thảo, qua gần 3 năm (2021-2023) thực hiện CTPTDL, nhìn chung Ngành du lịch tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các Bộ, ngành liên quan, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các nhiệm vụ trong CTPTDL đã tích cực được triển khai. Kết quả, nhiều dự án giao thông du lịch đã hoàn thành: hệ thống giao thông đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa; các tuyến giao thông nội tỉnh kết nối các điểm du lịch tâm linh, sinh thái; hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào (đường nội bộ, trung tâm đón tiếp, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, viễn thông...) các khu du lịch trọng điểm Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Lam Kinh, Thành Nhà Hồ, Bến En, Pù Luông, Suối cá Cẩm Lương.
Sản phẩm du lịch bước đầu đã hình thành sản phẩm du lịch cao cấp, khẳng định thương hiệu; sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng đã hình thành chỗ đứng và sức hút riêng đối với du khách, nhất là du khách nước ngoài. Công tác quản lý nhà nước được tập trung chỉ đạo, hoạt động du lịch đã được kiểm soát tạo môi trường du lịch văn minh, điểm đến an toàn; từ đó thương hiệu, vị thế của du lịch Thanh Hoá được nâng cao.
Tại thời điểm năm 2022, Thanh Hoá xếp thứ 5 so với cả nước về lượt khách du lịch (sau Thành phố Hồ Chí Minh; Hà Nội, Vũng Tàu; quảng Ninh), xếp thứ 4 về tổng thu du lịch (sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai CTPTDL vẫn còn những hạn chế: Một số ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực triển khai thực hiện CTPTDL; chỉ tiêu lượt khách du lịch chưa đạt kế hoạch; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tu bổ tôn tạo khai thác di tích chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao, chưa hấp dẫn khách du lịch, tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch nước ngoài chưa được triển khai; môi trường du lịch, hiệu lực quản lý nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều bất cập.
Dự thảo chương trình cũng đưa ra mục tiêu cho trong các năm 2024 - 2025, đưa du lịch Thanh Hóa phát triển, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cụ thể, Năm 2024: Phấn đấu đón được 13.800.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 718.800 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt: 32.387 tỷ đồng; trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 295.300.000 USD. Có 56.300 lao động du lịch; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 82,6% (Đại học trở lên chiếm 10,65%; trung cấp và cao đẳng chiếm 33,0%; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 38,95%). Năm 2025: Phấn đấu đón được 16.000.000 lượt khách; trong đó khách quốc tế: 850.000 lượt khách. Tổng thu từ du lịch ước đạt: 45.500 tỷ đồng; trong đó tổng thu từ khách quốc tế đạt 380.000.000 USD. Có 62.000 lao động du lịch; trong đó số lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chiếm 92,1% (Đại học trở lên chiếm 10,8%; trung cấp và cao đẳng chiếm 33,7%; đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 39,2%).
Để đạt được mục tiêu trên, dự thảo cũng xây dựng 6 nhiệm vụ trọng tâm cho CTPTDL, gồm: Tập trung cao để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch. Tập trung khai thác các di tích lịch sử phục vụ phát triển du lịch, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch mới và hình thành các sản phẩm du lịch cao cấp. Thực hiện chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch trọng tâm, trọng điểm, mang tầm quốc gia và quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tăng cường quản lý nhà nước về môi trường du lịch, an ninh, trật tự an xã hội; tạo đột phá về cải thiện môi trường du lịch. Nâng cao tính chủ động, trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện CTPTDL.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi- Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đánh giá cao sự cố gắng của đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo báo cáo là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và một số địa phương đã xây dựng dự thảo báo cáo một cách đầy đủ công phu, bố cục, nội dung rõ ràng.
Đồng chí giao Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, một số địa phương cần bổ sung đánh giá mặt tồn tại khách quan, chủ quan liên quan đến nguồn nhân lực trong phát triển du lịch nhất là sau khi dịch COVID-19 xảy ra; sau khi phục hồi thì lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch còn yếu, chất lượng chưa đảm bảo.
Đồng thời, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tại các khu nghỉ dưỡng, quan tâm đến giá cả, chất lượng phục vụ du khách; biện pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc đưa tất cả các khu, điểm du lịch Thanh Hóa lên nền tảng số thông minh. Tiếp tục nâng cao ý thức cho người dân, doanh nghiệp trong phát triển du lịch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong phát triển du lịch.
Ngoài ra, công tác quản lý về môi trường du lịch cần được quan tâm thực hiện, nhất là việc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới việc xây dựng du lịch Thanh Hoá xanh, sạch, đẹp; tăng cường công tác xử lý rác thải, chất thải trong các khu, điểm du lịch. Riêng đối với huyện Cẩm Thuỷ, cần có giải pháp bảo vệ môi trường nước cho suối cá Cẩm Lương.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý tại hội nghị; hoàn chỉnh lại nội dung của dự thảo, báo cáo UBND tỉnh.
theo thanhoa.gov.vn