Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và văn bản liên quan.

Sáng 28/11, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan. Dự và phát biểu khai mạc hội nghị đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương. Hội nghị được triển khai theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến 63 điểm cầu tỉnh thành trên toàn quốc và tới các điểm cầu cấp huyện.

Đồng chí Đặng Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì tại điểm cầu huyện Như Thanh có; Đại diện lãnh đạo UBMT Tổ quốc, các đoàn thể cấp huyện; Đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND & UBND huyện; Đại diện lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện; Trưởng phòng Nội vụ và công chức được giao theo dõi thực hiện công tác dân chủ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe lãnh đạo Vụ Chính quyền địa phương giới thiệu nội dung cơ bản của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; lãnh đạo Vụ Công tác thanh niên giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở; lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch giới thiệu nội dung cơ bản của Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm nhấn của Luật là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân. Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó quy định rõ những nội dung công khai để Nhân dân biết, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát và Nhân dân thụ hưởng. Quy định cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban công tác MTTQ ở thôn, tổ dân phố; vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt. Là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã tập trung trao đổi, thảo luận những nội dung cần làm rõ để phục vụ công tác tham mưu, tổ chức triển khai, thực hiện Luật và các văn bản liên quan tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời các báo cáo viên đã giải đáp các ý kiến, thắc mắc của đại biểu tham dự để đại biểu hiểu rõ hơn về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Thông qua Hội nghị giúp đại biểu có thêm các kiến thức, phương pháp thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả Luật trong thời gian tới. Đồng thời, làm tốt việc tuyên truyền để đông đảo Nhân dân nắm được, thực hiện tốt Luật, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tại các địa phương.

 Đồng chí Triệu Văn Cường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ phát biểu tại hội nghị.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường đánh giá việc tổ chức quán triệt, phổ biến nghiên cứu, học tập Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giúp các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, chính quyền các cấp; cán bộ, công chức, viên chức nâng cao nhận thức, trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; phát huy dân chủ, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Đề nghị các bộ, ngành địa phương tập trung phổ biến quán triệt sâu rộng Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến cán bộ công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân; tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất đồng bộ với Luật.

Tin và ảnh: Quốc Thịnh