LÝ LỊCH LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI SẾT BOÓC MẠY, XÃ CÁN KHÊ, HUYỆN NHƯ THANH, TỈNH THANH HOÁ

Đăng ngày 23 - 11 - 2024
100%

Ngày 10/11/2023, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3416/QĐ-BVHTTDL về việc Công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo đó Lễ hội truyền thống Lễ hội Sết Boóc Mạy, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá được vinh danh là Di sản Văn hoá phi vật thể Quốc gia loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

1

Tên gọi của di sản văn hóa phi vật thể:

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI SẾT BOÓC MẠY, XÃ CÁN KHÊ, HUYỆN NHƯ THANH,
TỈNH THANH HOÁ

- Tên gọi khác: một số nơi gọi là ệt chá, chá chiếng, tết cây bông.

2

Loại hình:

LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG

3

Địa điểm phân bố di sản:

 Lễ hội Sết Boóc Mạy của dân tộc Thái phân bố ở Xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

4

 

 

Chủ thể văn hóa: Cộng đồng người Thái ở Xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá.

Địa chỉ liên lạc: Thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh

5

Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể

5.1. Quá trình ra đời và tồn tại :

Lễ hội Sết Boóc Mạy là hoạt động tín ngưỡng của người Thái xã Cán Khê thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, thiên nhiên và cả thần linh đã ban phúc cho dân bản, mang lại cho con người sức khoẻ, một cuộc sống ấm no đầy đủ.

Hàng năm vào ngày 10 tháng Giêng, lễ hội được tổ chức long trọng tái hiện lại một phần trong đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái truyền thống. Những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khua Luống, tiếng khặp Thái …hòa quyện với nhau, tạo nên bầu không khí huyền diệu. Từ thời xa xưa, người dân tộc Thái đã tự tạo cho mình một lòng đức tin, hướng thiện là sự đoàn kết gắn bó giữa người với người, người với thiên nhiên và với các dân tộc với nhau. Đồng bào Thái luôn coi trọng văn hoá truyền thống, các thế hệ luôn cố gằng trao truyền, gìn giữ những  biểu tượng văn hoá gắn với cộng đồng người Thái đó chính là lễ hội “Sết Boóc Mạy” hay còn gọi là Ệt chá, Chá Chiếng, tết cây Bông.

  Chuyện người Thái kể rằng: Ngày xửa, ngày xưa khi trời đất còn mênh mông, người trần gian đói khổ, bệnh tật triền miên, không có cơm ăn, áo mặc, sống cuộc đời tăm tối, lam lũ, nhiều ác ma, thú dữ rình rập hãm hại con người. Ở trên trời cao Ngọc Hoàng nhìn xuống thấy cảnh người hạ giới lam lũ, đói khổ, mủi lòng xót thương liền phái cho 3 người con có tài cao, đức trọng xuống trần gian để cứu giúp con người. Đây là 3 vị được coi như thiên sứ vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Thái:

Người đầu tiên gọi là Mo Muột (là chị cả), dân gian gọi là Bà Máy, Bà Máy là người có quyền nhất trong ba người, Bà Máy vừa hái thuốc chữa bệnh, vừa xua đuổi tà ma, ác quỷ vừa cầu các đấng thần linh che chở, cầu phúc cho dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi người được bình an khỏe mạnh.

Người thứ hai gọi là Mo Mương, (là anh hai) thầy mo có nhiệm vụ cúng cho người chết về với tổ tiên mường trời người chết sẽ được về mường trời chia phần đất đai của cải, được vui chơi hưởng thụ mọi thứ như khi còn sống ở trần gian,

Người thứ ba là Mo Mùn cũng (là em út) người có uy tín lớn trong xã hội cộng đồng nguời Thái qua việc chăm sóc phần hồn cho dân bản. Những người ốm đau, bệnh tật được ông Mo Mùn cúng mong cho khỏi ốm đau, tiêu trừ bệnh tật. Ba người trên cho đến tận bây giờ đều không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng người dân tộc Thái.

Trước đây, tổ chức xã hội của người Thái là chế độ xã hội bản - mường. Hệ thống cai quản xã hội gồm thế lực của các dòng họ quý tộc, đứng đầu là Chảu Mường (Chủ mường), còn có các ông Mo, bà Máy chuyên chăm sóc phần hồn cho chúng sinh. Ông Mo (Mo Mùn, Mo Mương) và bà Máy được tôn trọng kính nể trong xã hội vì am hiểu sâu sắc vốn tín ngưỡng tâm linh dân tộc, có vai trò giúp Chủ mường trong công việc cai quản bộ tộc, tổ chức các lễ nghi, các lễ hội trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Xã hội Thái mặc nhiên công nhận sự tồn tại của ông Mo, bà Máy cùng với những hoạt động tâm linh.

Vì vậy, mỗi dịp tết đến xuân về các Mo Muột, Mo Mương, Mo Mùn tổ chức làm lễ hội Sết Boóc Mạy để tạ ơn trời, đất, tổ tiên và các đấng thần linh. Các con cháu dòng họ, gia tộc, trăm họ gần xa người thì đến lễ tạ và cầu may mắn, đến mong được các thầy ban phát lộc tài, người đến chúc mừng, tất cả được hòa mình chung vui ngày hội, trong đó được tham gia các trò chơi, trò diễn tái hiện lại một phần cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng người Thái từ thời xa xưa. Các mo sẽ làm cây hoa, các bông hoa tượng trưng cho công đức của các mo, cảm ơn ơn trên của Ngọc Hoàng, thần linh đã ban phát cho cộng đồng người Thái trong một năm qua, đồng thời cầu xin ơn trên tiếp tục phù trợ, giúp đỡ cho toàn thể cộng đồng sang năm mới được cuộc sống ấm no, của ngon, vật thịnh, bệnh tật tiêu trừ. Đây cũng là dịp để những người bị bệnh tật, được mo cúng khỏi đến để cảm ơn mo, những người được chữa bệnh ngày một nhiều, nguời đến chia vui cũng dần đông hơn, các trò chơi, trò diễn được hình thành. Đó là cơ sở hình thành lễ hội Sết Boóc Mạy

Đối với “Mo Mùn”, xuất phát từ việc xưa kia người Thái rất nghèo khổ, sinh sống trên vùng núi cao, khi ốm đau không có tiền để mua thuốc chữa bệnh đã đến nhà thầy “ Mo Mùn” để nhờ thầy chữa bệnh bằng mẹo nhờ thần linh che chở. Thầy Mo làm lễ kết hợp một số bài thuốc nam để chữa bệnh, nhiều người đã được thầy Mo chữa khỏi bệnh và cứ thế tiếng lành đồn xa ngày càng có nhiều người đến nhờ thầy chữa bệnh, nhiều người xin được làm con nuôi của thầy gọi là“ luuc May” và rồi cứ mỗi dịp tết đến xuân về các “ luuc May” lại về nhà thầy để tạ ơn và thầy ấn định làm lễ tạ ơn bề trên đã giúp họ chữa bệnh cứu người gọi là“ Ệt chá” hay gọi là “Sết Boóc Mạy”.

 Đối với “Mo Mương” là sự cảm tạ thần linh, thiên binh, thiên tướng đã che chở, giúp đỡ cho “Mo Mương” đã đi mo cho những người sau khi từ biệt trần gian về cõi vĩnh hằng. Thần linh, thiên binh, thiên tướng là những người đưa đường chỉ lối cho người chết đi đến thiên đình xin Pó Then “Ngọc Hoàng” được nhập khẩu, được nhận lại “tổ tiên”, nhận vợ, nhận chồng và con cái của họ (nếu có), người chết cũng được chia đất đai, nhà cửa, của cải vật chất và đưa người chết đi xem danh lam thắng cảnh trên thiên đình, tham gia các trò chơi dân gian, các hoạt động y như người còn sống. Người Thái có quan niệm rằng khi những người sống ở cõi trần làm ăn sinh sống ra sao thì khi về với tổ tiên cũng phải làm ăn sinh sống như vậy. Cho nên khi tổ chức lễ thì “ Mo Mương” cũng có những trò diễn tương tự như “Mo Mùn” để người về thế giới bên kia được vui vẻ với tổ tiên làm ăn và xây dựng cuộc sống đầy đủ sung túc đó chính là nét đẹp truyền thống tâm linh đặc sắc của người còn sống đối với người đã khuất, gọi là lễ “Sết Boóc Mạy”.

Trong lễ hội Sết Boóc Mạy không thể thiếu cây Bông là cây hoa tượng trưng cho đất, trời thiên nhiên kỳ vĩ, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, muôn hoa, muôn vẻ, vạn vật đều sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, cầu cho mưa  thuận gió hòa, cầu thần linh che chở, cầu thần phù hộ tạo phúc cho dân, mọi người đều bình an, khỏe mạnh, người dân tộc Thái luôn mong muồn được tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng, sự lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng.

Với ý nghĩa sâu sắc lễ hội Sết Boóc Mạy vừa là hoạt động tín ngưỡng dân gian, vừa thể hiện lòng biết ơn với nguồn cội, thiên nhiên vĩ đại, cảm tạ thần linh về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Là dịp nhắc lại cho các thế hệ đồng bào Thái nhớ về quá khứ, tổ tiên, tạo sự gắn kết trong bản làng của người Thái. Hàng năm cứ mỗi độ tết đến xuân về, người Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh lại tổ chức lễ hội “ Sết Boóc Mạy” để bày tỏ những khát vọng, những ước mơ về cuộc sống yên bình, xua đi những nhọc nhằn vất vả lo toan.

5.2. Miêu tả hình thức thể hiện, quy trình thực hành

5.2.1. Chuẩn bị cho lễ hội:

5.2.1.1. Lễ vật cúng tế và người hành lễ

Để tổ chức được một lễ hội Sết Boóc Mạy, gia đình Bà Máy, ông Mo Mường và ông Mo Mùn phải chuẩn bị nuôi và chăm sóc 1 con lợn trong vòng 1 năm, cúng lợn có ý nghĩa quan trọng trong lễ hội, con lợn sẽ mở đường dẫn âm binh lên mường trời để bẩm báo với Pó Then (Ngọc Hoàng). Ngoài ra còn chuẩn bị lương thực, thực phẩm như: tiền, hương, nến, gạo, gà, sáp ong, rượu cần (rượu trấu) trên vài chục vò…Số lượng lương thực, thực phẩm nói trên trước đây có nhà phải chuẩn bị trước hàng năm. Khi vào lễ phải có các đồ thờ cúng, các mâm lễ và một ban hành lễ:

5.2.1.2. Đồ thờ cúng gồm có:

Lễ vật còn có một mâm xôi, một con gà, 4 chai rượu, mỗi mâm 2 quả trứng gà và 1 kg gạo, 4 khăn vuông của người Thái, nến thắp bằng sáp ong, 4 cái kiếm và một số đồ được đựng trong túi của thầy mo, 4 cái đệm ngồi, 4 khăn piêu, 4 cái ô tự làm, dựng cây hoa (cây bông) giữa nhà và 1 hũ rượu cần để trước cây hoa, trên cây hoa có 1 dây dài vắt từ bàn thờ của nhà mo đến đỉnh cây hoa, hoặc dây hoa dài từ đỉnh cây bông xuống đất gọi là “sái mương”, khi kết thúc lễ hội thầy mo sẽ đưa cây hoa lên mường trời tặng Pó Then.

Cây Sết Boóc Mạy (cây Bông) là vật trung tâm trong lễ hội được làm bằng tre hoặc luồng, hoa cây bông được làm từ cây dâu, cây sắn, cây chục bục với các hình chim, thú, dụng cụ lao động sản xuất. Tùy thuộc vào thế hệ nhà mo mà cây bông được làm 3, 5, 7, 9, 12 tầng. Hiện nay, cây bông trong lễ hội được làm 9 tầng, với hàng ngàn hoa. Mỗi cây bông được đồng bào ví như một số phận con người, mỗi bông hoa là một mùa vụ.

Có tháp 9 tầng, hình khối chữ nhật cao khoảng 30 cm, mỗi mặt rộng từ 4-5 cm làm bằng khung nứa, chằng các sợi tơ nhiều màu gọi là “cầu thàn” (chín tầng), có bụng cá làm bằng khung nứa theo hình một con cá gọi là “pụm pa”, có làn ghế ngồi của ma chủ mường môn…gồm ba cái kiếm gỗ cột chéo nhau gọi là “tặng kẹo”.

5.2.1.3. Ban hành lễ:

Gồm có Bà Máy, ông Mo Mương, ông Mo Mùn, bộ phận các ông bà trong ban hành lễ của làng.

Tuỳ từng nghi lễ mà phân công người đảm nhận. Trong lễ hội của người Thái ở xã Cán Khê, lễ mời thần linh nhập cây Bông do cả hai ông Mo (Mương và Mùn) và bày Máy thực hiện. Lễ cầu mưa do Bà Máy đảm nhiệm, lễ cầu Mó nước ông Mo Mùn đảm nhận.

Những người trong ban hành lễ sẽ thực hành các điệu múa đan xen giữa các nghi thức cúng, lễ và thực hiện các trò diễn trong lễ hội.

5.3. Thời gian và địa điểm tổ chức lễ hội Sết Boóc Mạy

- Thời gian tổ chức:

Hàng năm, vào ngày mồng 10 tháng Giêng người Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh tổ chức lễ hội để bày tỏ tấm lòng với tổ tiên, trời đất, cầu mong mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân trong vùng. Vào ngày này, cộng đồng người Thái còn mời cả người Mường, người Kinh sinh sống trong làng bản đến dự lễ hội.

- Địa điểm tổ chức:

Không gian chính của lễ hội Sết Boóc Mạy được tổ chức ở nhà Văn hoá thôn Mó 1 và Miếu Cấm gần nguồn nước (Mó nước) đầu bản và không gian mở là khu vực quanh đó.

5.4. Diễn trình thực hành

5.4.1. Những nghi lễ chính của lễ hội Sết Boóc Mạy

Trước khi Lễ hội diễn một ngày, các công việc chuẩn bị trước khi diễn ra các nghi thức cúng mó nước, cúng thần linh và chương trình biểu diễn nghệ thuật hát múa dưới cây Bông gồm các tiết mục: Dựng cây hoa; Lễ cầu mưa; săn bắt thú; dệt vải quay tơ, thêu thùa; đưa hoa về Mường trời; múa chày, nhảy sạp, uống rượu cần; tổ chức các trò chơi dân gian, liên hoan văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái…

 5.4.2. Chuẩn bị Khắc Luống (Luống)

Luống là một chiếc máng lớn được tạo thành từ nguyên một thân cây gỗ. Người ta đục cây gỗ tạo thành lòng máng tựa như cái thuyền và ở một đầu của máng đục một cối tròn để giã gạo. Phần lòng máng ngày thường dùng để giã tách lúa từ bông ra, sau đó cho vào cối tròn để giã ra gạo. (Đồng bào Thái thu hoạch lúa rẫy bằng cách cắt bông lúa rồi buộc thành từng bó nhỏ, khi dùng thì cho vào giã để bỏ rơm lấy lúa sau đó mới giã lúa lấy gạo). Đi kèm với máng là một bộ chày giã gạo, thường là khoảng 6 đến 8 cái, chiều dài của mỗi chày vào khoảng 1,5m đến 1,8m. Máng gỗ không chỉ là để giã gạo mà còn là nhạc cụ dành cho những lễ hội và những cuộc vui.

Tham gia khua Luống thường là phụ nữ với số lượng từ 10 người phụ nữ trở lên, chia thành các cặp, trong đó cử ra một người làm cái, một người gõ nhịp và các cặp còn lại dùng những chiếc gậy gỗ gõ vào thành của một cây gỗ đã rỗng ruột, theo nhịp phách do người làm cái gõ, tạo thành một loại âm thanh vừa rộn ràng, chắc gọn lại mộc mạc và giản dị. Đặc biệt khua Luống thường kết hợp với trống, chiêng. Khi các thành viên khác khua Luống thì cần một người đánh trống và một người đánh chiêng. Sự kết hợp của khua Luống và trống, chiêng tạo nên một không khí tưng bừng, rộn rã.

Khua Luống có 12 điệu cơ bản. Mỗi khi nhịp chày khua Luống vang lên là bàn chân muốn bước, cái bụng muốn theo đến nơi có lễ hội, được vui chơi. Tuy âm thanh phát ra từ mỗi điệu khua Luống không được luyến láy, bổng trầm như những loại nhạc cụ hiện đại, nhưng nó lại như thứ keo kết dính tình cảm, gắn kết mọi người thành một khối thống nhất của tình bạn, tình thương yêu, nó mang ý nghĩa về một cuộc sống ấm no.

Không chỉ có động tác vung chày, đâm chày. Trong màn khắc Luống, đôi bên còn thực hiện những động tác giao chày với nhau, nghĩa là người bên này và bên kia gõ đầu chày với nhau tạo nên những âm thanh vừa sống động vừa tạo những động tác vui mắt. Thực hiện được động tác này phải là những người khắc Luống đã vô cùng thuần thục, đạt đến trình độ như một nghệ nhân chơi nhạc Luống.

Khắc Luống là thể hiện sự vui vẻ, ăn mừng... Tuy nhiên, tuỳ từng nội dung hay hình thức, lễ nghi của lễ hội mà người ta thực hiện màn khắc Luống cho phù hợp với tinh thần và không khí của lễ hội. Trò khắc Luống còn mang ý nghĩa văn hoá tín ngưỡng phồn thực. Người ta quan niệm, cái máng tượng trưng cho người phụ nữ Thái nền nã nhu mì, cần cù và chịu khó. Cái chày tượng trưng cho người đàn ông, những người con của đại ngàn dũng cảm và mạnh mẽ. Tuy nhiên, khắc Luống lại được thực hiện bởi phụ nữ vì họ sử dụng chày giã gạo thuần thục hơn.

Có thể nói trong rất nhiều các hình thức sinh hoạt và lễ nghi, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái. Từ bao đời nay, khắc Luống là một nét văn hoá tín ngưỡng đặc sắc nhất và cổ xưa nhất của người Thái. Văn hoá tín ngưỡng khắc Luống đã ăn sâu vào tiềm thức, là một hoạt động văn hoá tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Thái. Họ gìn giữ và lưu truyền nguyên vẹn đến ngày nay. Bởi âm thanh của khắc Luống sẽ giúp họ lắng đọng tâm hồn, xua tan đi nỗi sợ, giúp họ thêm phấn chấn, thêm thăng hoa trong các dịp lễ hội.

5.4.3. Chuẩn bị chiêng, trống

Tiếng trống, chiêng như một hình thức thông báo mở đầu cho lễ hội hoặc hoạt động nào đó, nó không những tạo ra không khí sôi động, làm nhạc nền cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác mà còn biểu trưng cho tinh thần gắn kết cộng đồng. Chính vì vậy, trong các lễ hội và các hoạt động cộng đồng của người Thái luôn có chiêng, trống. Để tổ chức lễ hội Sết Boóc Mạy, đồng bào Thái cũng chuẩn bị một dàn chiêng khoảng 3 chiêng, 1 trống cái.

Người được lựa chọn đánh trống là thanh niên to khỏe, thành thạo các nhịp trống; người đánh chiêng có thể là nam hoặc nữ. Nhịp chiêng trống có thể gõ 1:1 (1 tiếng trống, 1 tiếng chiêng); nhịp 1:2 hoặc 1:3 tùy theo ý của người đánh; thỉnh thoảng xen lẫn tiếng đánh đệm (cắc) vào phần cạnh trống. Tiếng trống, chiêng dồn dập thường cổ vũ cho các trò chơi dân gian tăng thêm phần sôi động, kích thích người chơi và hấp dẫn người xem. Tiếng trống, chiêng như báo hiệu, tượng trưng cho khát vọng của con người xua đi những rủi ro, hướng đến những điều may mắn.

5.4.4. Chuẩn bị xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc là một trong những món ăn quan trọng không thể thiếu trong những dịp lễ tết của người Thái. Xôi thường có 5 màu: xanh, đỏ, trắng, vàng và tím thể hiện ngũ hành và đặc biệt hơn khi những màu sắc này được tạo ra từ màu sắc của lá cây trên rừng, trong vườn. Để làm một đĩa xôi ngũ sắc ngon cần trải qua nhiều quy trình tỉ mĩ từ khâu chọn gạo nếp, chọn lá để nhuộm màu và đồ xôi (nấu xôi).

Khi chọn lá để nhuộm màu xôi, người Thái dùng những lá cây có sẵn trên rừng hoặc trong vườn. Màu đỏ được tạo nên từ lá cây cơm đỏ, màu tím lấy từ lá cơm đen, màu xanh từ lá cây riềng hoặc lá gừng, màu vàng là màu của nghệ tươi, màu trắng là màu nguyên thủy của gạo nếp.

Sau khi chọn lá, họ rửa sạch và đun lấy nước. Riêng màu vàng, người dân giã nhuyễn củ nghệ và vắt lấy nước. Nước màu đã chuẩn bị xong và để nguội, người Thái cho gạo nếp vào nước màu, ngâm qua đêm để màu thấm vào từng hạt gạo nếp. Nếp để nấu xôi là loại nếp ngon, hạt to để thành phẩm đạt được là hạt xôi bóng, thơm và dẻo.

Khâu quan trọng cuối cùng là đồ xôi. Người Thái đồ xôi trong một cái nồi chuyên dụng gọi là “chõ đồ xôi”, phần chõ được làm bằng thây cây khoét rỗng, đặt trên nồi đồng hoặc nhôm. Gạo nếp được bỏ vào trong chõ theo thứ tự từng màu, ngăn cách nhau bằng lá chuối. Riêng màu trắng được để trên cùng để tránh bị nhuộm màu bởi những màu khác. Khi đồ xôi, người Thái luôn canh lửa vừa, khi nào nếp có mùi thơm là xôi đã chín. Xôi sau khi chín được xới ra và quạt cho bay hết hơi.

5.4.5. Chuẩn bị nướng cơm Lam (bòng kháu Lám)

Trước hết, phải chọn được cây tre gai mọc tự nhiên trong các khu rừng. Khi chọn cây tre làm ống lam, người ta thường chọn những cây không quá già và cũng không quá non bởi đây là những cây đang trong giai đoạn chuyển từ măng thành cây.

Ưu tiên lựa chọn vẫn là những cây có đốt ống dài, thẳng đẹp, không bị sâu, chặt bỏ một đầu mắt, tạo thành ống có đáy. Loại tre được người Thái tìm chọn để lam (nướng) cơm là loại tre khi cơm lam chín, bóc hết lớp vỏ tre cứng còn để lại một lớp màng mỏng bao bọc lấy phần cơm đã chín, vì thế khi cầm cơm không bị dính vào da tay, khi ăn có vị ngọt của tre, vị thơm của nếp mới. Đây cũng là điểm khác biệt của tre gai so với cây nứa khi dùng để lam cơm. Ngoài ra, ống làm từ cây tre có lớp vỏ dày hơn nên khi lam không sợ cơm bị cháy như các loại ống khác.

Gạo để làm cơm lam là gạo nếp mới được thu hoạch trên nương về, có thể là nếp trắng hoặc nếp cẩm thơm ngon. Trước khi cho gạo vào ống lam, người ta thường cho một ít nước vào trước, sau đó cho gạo vào ống và đổ nước đầy miệng ống ngâm qua đêm. Trước khi lam, miệng ống tre được nút bằng lá chuối rừng để khi lam cơm không bị mùi khói và vẫn giữ nguyên được hương vị của nếp mới hòa quyện.

Khi lam cơm cũng cần phải khéo tay, giữ lửa sao cho ống lam không bị cháy và cơm trong ống được chín. Khi lam, lửa phải to và thực hiện lam từ đáy ống lên hoặc miệng ống xuống, tùy từng nơi khác nhau và luôn trở ống đều tay để cơm lam chín đều và không bị sượng. Lam khi nào ống cháy sém, có mùi cơm nếp tỏa ra là dấu hiệu cơm đã chín. Khi đã chín, bóc hết vỏ cứng của tre, còn lại một lớp màng giấy mỏng giúp cơm không dính vào da tay. Cơm lam là món ăn mang nhiều ý nghĩa tâm linh. Đồng bào Thái thường có quan niệm nhờ mưa thuận, gió hòa, mùa màng mới tươi tốt, mới có được hạt gạo dẻo thơm để làm cơm lam.

5.4.6. Chuẩn bị cây Sết Boóc Mạy (cây Bông, cây hoa)

Trụ của cây Bông được làm từ cây tre già, đoạn gốc được chẻ thành nhiều phần và uốn tạo tượng trưng những chiếc rễ vững chãi để mưa to gió lớn cũng không đổ. Độ cao của cây Bông trong mỗi lần ông mo tổ chức lễ hội không giống nhau, lần thứ nhất cây hoa có thể cao từ 1,4 m đến 1,5 m, các lần tiếp theo thì làm cao dần hơn lần trước. Trên cây tre, người ta đục khoét nhiều lỗ để cắm các nhành hoa, các loại quả, chim, muông thú tượng trưng. Tre, nứa được chặt hoặc chẽ ra để làm ống đựng nước uống rượu cần, đan các mâm lễ, đan hình các con chim, con vật như “tô chắc chằn” (con ve sầu), “nộc cá léo” (chim quạ), “ngua pà” (bò rừng)…Các hình hoa, quả, muông thú được làm từ nhiều nguyên liệu như tre, nứa, bấc cây tang, cây sắn, ruột bầu phơi khô hay các hình vẽ trên giấy. Các con vật được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng... sặc sỡ, sinh động. Riêng loại hoa làm từ bấc cây tang thì được cắt thành từng mẩu dài chừng 2 - 3 cm, xâu vào sợi lạt nhỏ (đã được chẻ làm 2 -3 nhánh). Ở phần ngọn các nhánh hoa, người ta gắn vào một bông hoa (được cắt từ cành dâu) để giữ các bông hoa phía trong không bị tuột khỏi cành, đồng thời để tạo ra một loại hoa khác gọi là tang chò. Một loại hoa khác được xâu vào sợi vải dài rủ từ ngọn cây hoa xuống đất gọi là “sái mương” để tượng trưng cho con đường của các thần linh đi từ Mường trời xuống trần gian dự lễ hội. Tất cả các thứ nói trên làm được đến đâu thì gom lại, dắt hay treo trên quanh vách nhà, hoặc các cột nhà, không được để vương vãi trên nền nhà và phải hoàn tất trước ngày vào hội. Trong lễ hội Sết Boóc Mạy của người Thái ở miền Tây Nghệ An, gọi cây này hoa này là cây “xằng tang”.

5.4.7. Lễ đón các ông Mo, bà Máy.

Theo chuyện kể của người Thái các mo: Mo Muột, Mo Mương, Mo Mùn là 3 chị em được Ngọc Hoàng sai xuống nhân gian độ thế cho bà con người Thái. Cho nên một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội Sết Boóc Mạy là lễ đón 3 vị thiên sứ này. Họ sẽ thực hành các nghi lễ trong lễ hội Sết Boóc Mạy.

Thực hiện các nghi lễ trong lễ hội Sết Boóc Mạy là Mo Muột, Mo Mương và Mo Mùn, mỗi người đảm nhận một phần việc trong lễ hội. Ông Mo Mùn chịu trách nhiệm chủ tế ở Mó (nguồn nước), Bà Máy là người chị cả chủ tế trong lễ dựng cây Bông, lễ cầu mưa, còn Mo Mương là người em út sẽ chủ tế mời thần linh về dự và nhập vào cây Bông … Đến giờ hẹn, Mo Muột, Mo Mương và Mo Mùn mang theo các đồ hành nghề cùng dân bản đến Trung tâm của làng. Sau 3 hồi 9 tiếng chiêng khai hội, mọi người được mời uống rượu cần lời hát vang lên: “rượu cần hơi men say, mừng lễ hội làng ta, khai hội mừng xuân mới”, mọi người cùng tiến lên thưởng thức rượu cần, lễ hội thực sự được bắt đầu.

5.4.8. Lễ cúng thần linh và cúng thần nguồn nước (mó nước)

Theo phong tục trước khi vào làm việc cúng tế, mọi người phải tắm gội đầu, tẩy trần cho hồn vía được mát mẻ, khỏe mạnh, sạch sẽ, nếu không thì tổ tiên và thần linh trách phạt, việc hành lễ sẽ khó thành. Những người tham gia lễ hội đều mặc trang phục truyền thống của người Thái. Mo Mùn cùng với dân bản đến Mó (nguồn nước) để làm lễ. Đội hình đi làm lễ mó nước đến nơi đầu nguồn nước, ở đó có sẵn một ngôi miếu Cấm, mọi người dừng lại đứng quanh Mo Mùn. Ở trước miếu Cấm, ngay từ chiều hôm trước, dân bản đã dựng sẵn một giàn làm bằng  tre cao khoảng 1m rộng khoảng 1m2, có làm bậc tam cấp bằng tre lên xuống.

Mâm lễ vật được đặt trên giàn gồm: Rượu, cỗ xôi, con gà, bánh trưng, bánh ít, bánh trà lam, cơm lam, hoa quả…

Mo Mùn thắp hương khấn xin “bò nậm” (thần nguồn nước) và các thần linh. Nội dung bài cúng mời thổ công, thần linh về hưởng lễ vật và chứng giám, cầu thần phù hộ, xua đuổi thần trùng, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, mọi người mạnh khỏe, già trẻ, gái, trai đoàn kết một lòng, cầu cho muôn nhà dâu hiền rể thảo, con cháu ngoan ngoãn và công thành danh toại, tạ ơn tổ tiên... Cầu cho những người có mặt trong lễ hộ ngày hôm nay tất cả đều gặp nhiều may mắn, gia đình sung túc, hạnh phúc vững bền:

Khai hội mừng năm mới,

Mời thổ công, long mạch,

Mời thần linh các ngài,

Cai quản trên núi cao.

Duới khe có thần sông,

Khe uốn lượn như rồng,

Đầu rồng là Khe Mỏ,

Thân rồng là “Bãi đền”,

Đuôi rồng là “Bến đá”,

Nước Khe Mỏ trong mắt,

Chảy mãi mãi muôn đời,

Cho dân bản sống vui,

Nước lặng thầm che chở,

Núi trăm ngọn núi cao,

Ôm trọn dân bản Mó.

(Bài cùng đầy đủ tham khảo phần Phụ lục)

Sau khi khấn xong, già trẻ, gái trai, dân bản cùng lên thắp hương lễ tạ thần linh. Sau đó, Mo Mùn cùng dân bản cùng cùng nhau quay trở về Nhà văn hoá của thôn Mó 1 có dựng cây Sết Boóc Mạy để tiếp tục tổ chức các nghi lễ và trò diễn tiếp theo.

5.4.9. Lễ cúng dựng cây Sết Boóc Mạy (cây Bông) và mới thần linh về dự

Lễ cúng dựng cây Bông do ông Mo, bà Máy chuẩn bị từ trước đặt nằm giữa nhà Văn hoá. Mâm lễ và mấy vò rượu cần được đặt phía trước cây Bông. Mâm lễ có một ít vải trắng, trên đặt hai bát gạo sống có hai quả trứng sống, trầu cau, tiền lễ và một cái kiếm. Tiết mục dựng cây Bông được kết hợp với dân ca, dân vũ và dân nhạc.

Mọi người tập trung quanh khu vực cây Bông. Bà Máy hô to “Bản làng ta ơi giờ lành đã tới mời bà con dân bản vào đón cây hoa bản nào,……… 123 nào……xem nào cây hoa bản mình đẹp chưa các con ơi, dạ cây hoa của bản ta đẹp nhất rồi”. Trong lúc Bà Máy hô, các Mo cùng một số dân bản sẽ dựng cây lên. Trong lúc dựng cây Bông, Bà Máy khặp một làm điệu dân ca Thái (hát), có 4 nghệ nhân cầm kiếm múa kiếm pháp vòng quanh cây Bông, tượng trưng cho các âm binh trợ giúp cho Mo Mùn trừ tà cứu người, Mo Mương thực hiện được nghi thức dẫn người đã khuất về mường trời nhận tổ quy tông... Nội dung lời khặp ca ngợi vẻ đẹp của cây Bông và mời thần linh về dự phù hộ cho bản làng mùa màng bội thu, dân bản mạnh khoẻ, no ấm, gái trai hạnh phúc:

Năm cũ không còn nữa

Thời gian đã trôi đi

Không bao giờ trở lại.

Nhưng lòng người thì còn

Mãi mãi ghi công ơn,

Ơn trời cao ban cho

Một năm đầy hạnh phúc,

Mọi người đều mạnh khỏe,

Bởi tiên hoàng chở che.......

Năm mới bắt đầu rồi,

Nào dân bản ta ơi,

Mùa xuân thay áo mới,

Nào trai tài, gái sắc

Ta làm Sết Boóc Mạy

Dựng cây hoa bản làng

Mời thần linh về thăm

 Kết hoa cho bản làng.

Người bản Thái mừng tết.

Nghìn thứ hoa nghìn sắc

Trăm thứ hoa trăm mầu,

Kết thành cây hoa bản

Đẹp mãi muôn đời sau,

Như tình yêu đôi lứa,

Trai, cắm bông hoa cúc,

Gái, cắm bông hoa hồng

Mẹ, cắm cây hoa bông

Tựa mùa xuân ấm áp.

Từng người, từng người đến,

Từng người, từng người xem,

Mọi người ai cũng khen,

Mùa xuân này đẹp lắm.

Hứa hẹn đầy trái ngọt,

Hứa hẹn đầy hương thơm,

Hứa hẹn mùa gặt hái,

Nhiều trái bạc, trái vàng,

Những trái chín đầu mùa,

Dâng tổ tiên, trời phật,

Dâng lễ mời thần linh

Dâng thổ địa, thổ công,

Dâng lễ ông long mạch,

Ban cho mọi phước lành.

Cho bản Thái bình an.

5.4.10. Lễ cầu mưa.

Tương truyền, khi hạn hán kéo dài, nguy cơ mất mùa sẽ xảy ra nên bà con dân bản rủ nhau làm lễ cầu mưa để trời mưa cho dân bản có nước cày, bừa, cấy hái. Trong lễ cầu mưa có tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng các bà, các mẹ khấn rằng: “Trời ở xa có thấy, đất này đã cằn khô. Ruộng ta nứt lọt rổ, lọt rá, suối, khe hết nước rồi, con cua bò lên núi, con cá nằm trong hang. Dân làng đang cần nước, rủ nhau làm lễ “cầu”. Anh ơi mang cái trống, chị ơi mang cái chiêng. Ông ơi ra ngoài giếng, kéo đuôi rồng làm mưa. Khi ta đánh trống, chiêng đủ 3.600 tiếng vọng. Thì trời đổ mưa về, nếu đã mưa thì mưa cho lớn. Mưa từ tây sang bên đằng đông, cho lúa tốt ngoài đồng, cho lúa rẫy trổ bông, cho cua, cá về khe, về suối”. Người chủ lễ cầu mưa là Bà Máy, trong khi hành lễ các bà, các bà, các mẹ cùng khấn những lời khấn trên. Sau đó, Bà Máy làm lễ cúng để tạ ơn trời đổ mưa. Trong khi diễn ra lễ cầu mưa không thể thiếu được tiếng chiêng, tiếng trống để thúc giục, mời gọi ông trời làm mưa và sẽ có diễn xướng điệu múa cá sa và hát diễn tả lại các hoạt động nông nghiệp như cấy hái, cày bừa…

Trời đã đổ mưa về,

Cảm ơn ông trời cao

Đổ mưa xuồng ào ào

Nước đầy đồng nước lớn,

Có nước ta trồng lúa,

Có nước ta làm nương,

Có  nước ta cày ruộng,

Nước đầy đồng nước lớn

Mưa từ Tây sang Đông,

Cho lúa tốt ngoài đồng.

Cho cây lúa trổ bông,

Cho cua, cá về sông, về suối.

Sau khi cầu có mưa xuống cho bản mường. Bà Máy lễ tạ xong đi phát lộc, phát thuốc cho mọi người để mọi người có sức khỏe, có nước để cày bừa, dân bản  rủ nhau đi cày ruộng, đi phát rẫy làm nương, trỉa lúa, trỉa ngô, cấy hái. Có ruộng để cấy, có rẫy để trỉa bông. Nhưng trước khi trỉa bắp, cấy ruộng, các bà, các mẹ thực hiện diễn xướng khấn làm lễ xuống đồng cho lúa tốt, bông sai, đầy hạt, mùa màng bội thu. Các bà, các mẹ khấn:

Lúa ơi, tốt nhanh như bãi tranh, bãi lau của đất Mường trong,

Lúa ơi, tốt nhanh như bãi mía, bãi dâu của đất mường ngoài,

Người Mường trong đi qua thì khen lúa ruộng làng ta dầy hạt.

Người mường ngoài đi lại khen lúa rẫy làng mình đều bông,

Người đi dọc, đi ngang qua thì … ôi cha, ôi mẹ lúa mường Thái trĩu bông, lúa làng Thái đầy hạt, lúa bản Thái bội thu.

5.4.11. Lễ hạ cây Sết Boóc Mạy (cây Bông)

Có lễ dựng cây Bông thì phải có lễ hạ cây. Bà Máy đọc bài cúng xong đứng dậy tiến về phía vò rượu làm động tác nhổ các cần rượu ra khỏi vò, ôm cây hoa nhấc lên, các ông mo và mọi người vào dỡ cây hoa, dỡ các mâm lễ xuống. Bà Máy sẽ thực hiện Kếp boóc (hái hoa, phát lộc) đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.

5.5. Các trò hội trong lễ hội Sết Boóc Mạy

Trong lễ hội Sết Boóc Mạy, phần lễ và phần hội có sự đan xen, hòa quyện vào nhau, phối hợp với nhau trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Tại trung tâm của làng nơi dựng cây Sết Boóc Mạy (cây Bông) cũng diễn ra nghi thức cúng với nhiều trò diễn trò vui. Cứ sau mỗi nghi lễ là một trò diễn minh họa cho nội dung của nghi lễ đó, mô phỏng lại các hành vi của các thần linh, các ma có trong nghi lễ đó. Hết nghi lễ này, trò diễn này lại đến nghi lễ khác, trò diễn khác, cứ như thế cho đến lúc tan hội. Có thể nói lễ hội Sết Boóc Mạy là tổng hợp của nhiều nghi lễ và trò diễn.

Trong khi làm lễ mời dựng cây Bông và mời thần linh về dự nhập vào cây Bông, người thực hiện chính là các ông Mo và bà Máy và những thành viên trong ban hành lễ của làng. Mọi người cùng nhau múa và hát quanh cây Bông với điệu múa cá sa, múa kiếm, múa ô, múa chày... Trong lúc múa hát, phụ nữ Thái sẽ khấn để những lời khấn cho các lễ cầu mưa, chuẩn bị xuống đồng, cầu cho lúa tốt, sai bông.

Sau đó các trò diễn thể hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất của đồng bào Thái được thể hiện. Trò diễn săn bắt thú, cá gồm cả đàn ông và phụ nữ. Đàn ông người hơi khom xuống, tay cầm kiếm thể hiện các động tác đi tìm thú, ngó xung quanh, di chuyển nhẹ nhàng, mắt tìm kiếm. Phụ nữ hai, ba người túm lại thể hiện động tác đi tìm bắt, mò cá dưới suối, sông. Trò diễn trâu đi cày gồm 3 người đàn ông. Một người đi trước cầm kiếm làm động tác phát cây cỏ, một người giả làm trâu, người còn lại giả làm động tác đi cày. Sau khi diễn xong trò cày ruộng, trò diễn tra hạt được 4 người phụ nữ Thái thể hiện, một người cầm gậy làm động tác chọc lỗ, người còn lại làm động tác tra hạt, 4 người tra hạt xong, 8 người phụ nữ sẽ thực hiện màn múa chày.

Đối với đồng bào Thái, để có những bộ trang phục đẹp mắt đòi hỏi rất nhiều công phu. Vào dịp nông nhàn, dệt vải, quay tơ là một trong những hoạt động chính của người phụ nữ Thái. Với đôi bàn tay khéo léo, người phụ nữ Thái lại thể hiện sự tỉ mỉ trong đường kim mũi chỉ, khiếu thẩm mỹ tinh tế tạo nên những bộ quần áo sắc màu đẹp mắt. Trò diễn sẽ có đầy đủ các đồ nghề như: Khung cửi, Guồng quay tơ (chuông pia), khung thêu, nồi ươm tơ (mỏ sao nhọn)…. Đội hình gồm 6 người phụ nữ ở các độ tuổi từ 20 đến 60. Mỗi người ngồi bên một dụng cụ, thể hiện các động tác như ươm tơ, quay tơ, dệt vài, thêu thùa… Trong khi các phụ nữ thể hiện sẽ có bài khặp đi cùng, lời khặp sẽ do cả nam và nữ cùng thể hiện (hát đối).

Trống đã giục. Chàng ơi mau sửa soạn.

Chiêng đã kêu, em  đây đã sẵn sàng,

Hôm nay đến với hội làng,

Trò đây em diễn thêu thùa, quay tơ.

Anh “Khặp” Thái, em ngồi dệt vải,

Đâu phải riêng em mà có cả, bản em,

Người kéo sợi, người thêu, người dệt,

Kết nối lên, một bức tranh hồng,

Vải này em dệt tặng ai?

Hay là em dệt ngày mai lấy chồng,

Cho anh dệt tiếp được không.

Để anh kéo sợi tơ hồng em se.

Mẹ, thầy anh giờ đã xa.

Khung cửi của mẹ bên nhà xác xơ,

Em ơi anh có đâu ngờ.

Ngày nào ước hẹn, bây giờ chia xa,

Hôm nay anh đến chơi nhà,

Trước là chào hỏi sau là rước em.

Em về thưa lại mẹ cha,

Cho anh nối lại tình ta ban đầu.

Đừng để người khác dạm trầu

Lòng anh vương mối tơ sầu sao em?

Vải này may áo cho cha.

May chăn, may gối cho bà, cho ông,

Cả nhà vui ngóng cùng trông,

Dệt, thêu, muôn sắc, công em tảo tần.

Tấm này thêu nét hoa văn,

Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, chan hòa.

Em đem tặng mẹ, tặng cha,

Tặng anh, tặng chị trong “gia” đủ đầy,

Còn riêng em tấm vải này,

Đợi anh, hỏi cưới, mẹ thầy em mong,

Anh  nói rằng tháng một anh đến

Tháng hai rồi vẫn chưa thấy anh sang.

Em mang sầu, tâm tư chờ đợi,

Khắc khoải trong lòng, nỗi nhớ mong.

Tháng ba đã hết mùa xuân,

Tiếng vọng ngày hội hẹn mùa năm sau,

Bây giờ người khác dạm trầu.

Tháng tư mới đến còn đâu hỡi chàng

Giờ thì em đã sang ngang.

Cha, mẹ  đồng ý  bởi “chàng” làng bên,

Giờ đây ta đã hết duyên

Thôi thì kết nghĩa anh, em một nhà.

 Mai đây ai có đi xa.

Mùa xuân mở hội làng ta nhớ về.

Các nghệ nhân vừa thực hiện quay tơ, dệt vải, thêu thùa, vừa có các màn biểu diễn múa chày, mùa kiếm và lời khặp các làn điệu dân ca Thái, tạo nên không khí tưng bừng náo nhiệt.

Đó là những trò diễn thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan, tư tưởng và cuộc sống hàng ngày của đồng bào Thái. Chứa đựng trong đó tính nhân văn, tinh thần đoàn kết của cộng đồng.

Ngoài các trò diễn, trong lễ hội Sết Boóc Mạy còn có nhiều hình thức nghệ thuật trình diễn dân gian như múa, khặp Thái, khắc Luống, nhảy sạp, đánh chiêng, múa chày, mùa cá sa, múa ô, múa kiếm… đan xen giữa các trò diễn. Các nghệ nhân được dịp trổ tài thi thố nào là hát đối đáp, trai gái hát giao duyên, thi nhau đánh trống, đánh chiêng, thổi sáo…tạo thành cuộc vui văn nghệ suốt ngày đêm.

Dân làng múa hát xung quanh cây Bông và vui chơi ngoài sân nhà Văn hoá, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo, hài hước đầy ắp tiếng cười. Mọi người cùng nhau uống rượu cần, tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều tham gia vào nhảy múa. Tiếng khua Luống, tiếng trống, chiêng rộn rã, nhịp nhàng với lời Khặp, điệu nhảy của các cô gái cầm ô cúp hụm tạo nên một không khí vừa náo nhiệt vừa linh thiêng.

6. Không gian văn hóa liên quan

Lễ hội Sết Boóc Mạy diễn ra tại Nhà văn hoá thôn Mó 1 và miếu Cầm gần Mó nước đầu bản. Tuy nhiên không khí náo nhiệt, vui tươi của lễ thì lan tỏa khắp cả bản làng. Người người, nhà nhà nhộn nhịp, náo nức để đến cùng tham gia lễ hội.

Không gian liên quan đến lễ hội Sết Boóc Mạy còn có khu rừng gần bản, nơi gần nương rẫy và đầu con suối nơi thầy mo làm nghi lễ cúng Mó nước.

7. Các sản phẩm vật chất và tinh thần tạo ra trong quá trình tồn tại lễ hội Sết Boóc Mạy

a. Các sản phẩm vật chất

Quá trình tổ chức lễ hội Sết Boóc Mạy đã hình thành nên các lớp thầy Mo là các bà Máy, ông Mo Mương, Mo Mùn. Ông Mo (Mo Mùn, Mo Mương) và bà Máy vốn là những người chăm lo phần hồn của dân bản, họ được tôn trọng kính nể trong vì am hiểu sâu sắc vốn tín ngưỡng tâm linh dân tộc Thái. Họ có vai trò giúp trưởng bản (làng) tổ chức các lễ nghi, các lễ hội trong sinh hoạt tinh thần của cộng đồng. Người Thái coi sự tồn tại của ông Mo, bà Máy cùng với những hoạt động tâm linh như một phần văn hoá tín ngưỡng của họ. Các ông Mo, bà Máy là những người nắm giữ được những tinh túy, hồn cốt nhất của phong tục, tập quán của dân tộc Thái, gìn giữ truyền thuyết của người Thái, bảo tồn và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Lễ hội Sết Boóc Mạy cũng là nơi lưu giữ, trao truyền và là nguồn cảm hứng để dân gian sáng tạo ra các làn điệu dân ca Thái, bài cúng bằng văn vần, lời khặp Thái kể về thuở khai lập bản mường, về các hoạt động đời sống sinh hoạt của người Thái …. Đó là những tác phẩm văn học dân gian có giá trị thể hiện thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái.

Lễ hội Sết Boóc Mạy cũng để lại một sản phẩm vô cùng độc đáo đó là cây Bông – trung tâm của lễ hội. Người Thái mất rất nhiều công sức, thời gian và tâm huyết để làm lên một cây Bông mang nhiều ý nghĩa, thể hiện rất nhiều biểu tượng văn hóa, biểu tượng triết lý trong tư tưởng, nhân sinh quan của dân tộc Thái.

b. Các sản phẩm tinh thần:

Lễ hội Sết Boóc Mạy là ngày lễ cúng tổ tiên, ngày cúng mời thần linh về dự lễ hội của làng, lễ cúng thần rừng, suối, nương rẫy, lễ xuống đồng…., và lớn hơn cả nó còn là ngày lễ lớn của cộng đồng dân tộc Thái. Lễ hội Sết Boóc Mạy do cộng đồng Thái tổ chức vào dịp đầu năm mới để các ông Mo, bà Máy chủ trì nhằm tưởng nhớ và cảm ơn tổ tiên, thần linh phù trợ cho bản làng được ấm no, hạnh phúc, bệnh tật tiêu trừ, có sức khoẻ, an lành. Khi tiến hành lễ hội, người Thái cũng mời các bản làng khác cùng tham dự. Lễ hội thực sự trở thành ngày vui của cả bản mường; Đây là lúc để dân bản trả ơn thầy mo, trả ơn các vị tổ tiên, thần linh… mọi người có dịp gặp gỡ nhau, thăm hỏi nhau, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng, là dịp để người dân được vui chơi, gặp gỡ, giao lưu, kết tình bè bạn, trai gái giao duyên... Những tình cảm, ân nghĩa bao trùm trong lễ hội Sết Boóc Mạy.

Lễ hội Sết Boóc Mạy đã mang đến cho đồng bào Thái giá trị tinh thần to lớn, giúp họ thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tâm linh. Qua những nghi lễ thiêng liêng, trang trọng, và những trò hội vui vẻ đã mang đến cho người dân niềm tin được bảo trợ, họ cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, được mùa, bội thu và mọi người mạnh khỏe, may mắn… Họ tạm thời quên đi những vất vả của cuộc sống đời thường mà đắm mình vào không khí náo nhiệt, vui tươi của ngày lễ. Cả thiên nhiên, hoa lá, núi rừng và đời sống sinh hoạt của người Thái cùng hòa hợp, làm cho con người gắn bó với nhau hơn, con người càng yêu thêm thiên nhiên, làng bản và những sản vật do mình làm ra.

Mỗi dịp lễ hội, đồng bào lại có cơ hội để thỏa sức sáng tạo những sản phẩm tinh thần, đó là các làn điệu dân ca Thái, hát khặp, các tiết mục khắc Luống, đánh chiêng, trống... Lễ hội Sết Boóc Mạy cũng góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, giữ gìn và tôn tạo các giá trị di sản văn hóa của dân tộc Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá nói riêng và đồng bào dân tộc Thái ở cả nước nói chung.

6

Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể:

- Giá trị lịch sử:

Lễ hội Sết Boóc Mạy mang đậm giá trị lịch sử, gắn liền với sự hình thành và phát triển của tộc người Thái, do con người sáng tạo và giữ gìn trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và đời này qua đời khác.

Trải qua hàng trăm năm, Lễ hội Sết Boóc Mạy là nơi quy tụ tâm thức cộng đồng với vẻ đẹp của văn hoá tâm linh, văn hoá nghệ thuật và những phong tục, tập quán cổ truyền rất đặc biệt; là nơi thể hiện những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, mang tính cố kết cộng đồng rất cao của tộc người Thái, đã tạo ra một bản sắc văn hóa riêng biệt không thể lẫn lộn với bất kỳ với một dân tộc nào.

Giá trị lịch sử của lễ hội Sết Boóc Mạy thể hiện qua những bài cúng, lời khấn, lời khặp của các thầy mo, bà máy, bà con đồng bào Thái là những trường ca, sử thi, truyền thuyết, truyện cổ tích bằng văn vần kể về thủa khai bản lập mường, về dân tộc Thái, về cuộc sống thần linh, đời sống sinh hoạt của người Thái. Đây cũng là những tư liệu quý để tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Thái.

- Giá trị văn hóa:

Lễ hội Sết Boóc Mạy là một nghi lễ tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá. Ở đây có nhiều nghi lễ, nhiều trò diễn, nghệ thuật trình diễn dân gian đậm đặc bản sắc văn hóa tộc người, là một di sản văn hóa quý báu chứa đựng nhiều tư liệu khoa học, giúp cho công tác nghiên cứu, tìm hiểu quá trình phát triển văn hóa tinh thần của người Thái, nhất là văn hóa tâm linh.

Lễ hội Sết Boóc Mạy thể hiện biểu tượng khát vọng của người Thái về sự phồn thực, sinh sôi nảy nở, về niềm tin giữa con người với con người, niềm tin giữa con người với thần linh. Là nơi giao hòa, cố kết cộng đồng giữa đồng bào Thái với nhau và với các dân tộc khác.

Qua Lễ hội Sết Boóc Mạy chúng ta có thể hiểu được hệ thống tín ngưỡng dân gian, trình độ tư duy, trình độ phát triển về kinh tế - văn hoá - xã hội với cả những nét đẹp trong phong tục, tập quán, đạo đức, cũng như sinh hoạt, lối ứng xử của người Thái.

Lễ hội Sết Boóc Mạy chứa đựng trong nó nhiều biểu tượng văn hóa tốt đẹp, như cây Bông được kết sinh động, nhiều màu sắc, tượng trưng cho chín tầng trời. Những bông hoa không bao giờ héo tượng trưng cho sức mạnh vĩnh hằng của ông mo, bà máy. Con vật, chim chóc tượng trưng cho thiên nhiên đông đúc, sinh sôi nảy nở, sự ấm no, gia cầm, gia súc đầy chuồng. Cây hoa thể hiện sự phong phú của núi rừng, nhằm nhắn nhủ con cháu phải biết yêu quý, bảo vệ núi rừng, thiên nhiên, vì núi rừng đã cung cấp cho mình thức ăn, những cây thuốc quý. Thái độ biết ơn và trân trọng thiên nhiên, núi rừng của đồng bào Thái cũng thể hiện trong bài cúng:

Lòng biết ơn các đấng thần linh,

 Bấy lâu nay ban mọi phước lành, 

Ban cuộc sống an lành hạnh phúc, 

Luôn ban cho mưa thuận, thuận gió hòa.

Vạn vật đều sinh sôi nảy nở,                

Mùa màng dân luôn được bội thu,         

Mọi người dân luôn được mạnh khỏe,   

Già như trẻ, gái, trai đoàn kết

Các bài cúng của các ông mo, bà máy, lời khấn của các bà, các mẹ trong buổi hành lễ Sết Boóc Mạy cũng ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần linh và tổ tiên đã ban cho con người nguồn nước, cây rừng, sản vật, ánh mặt trời …

Giá trị văn hóa thể hiện qua ứng xử của con người với con người và con người với thiên nhiên. Lễ hội Sết Boóc Mạy đã thể hiện được giá trị đó qua các nghi lễ. Con người biết ơn lẫn nhau và con người biết ơn thiên nhiên.

Bên cạnh đó là các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng được biểu hiện qua các làn điệu khặp, các điệu múa như: múa ô, kiếm, cá sa, múa chày…và các nhạc cụ dân tộc…. góp phần lưu giữ những giá trị văn hoá nghệ thuật tinh tuý của người Thái.

- Vai trò của di sản đối với đời sống cộng đồng người Thái hiện nay:

Lễ hội Sết Boóc Mạy có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng dân tộc Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá, là sinh hoạt văn hóa không thể tách rời trong đời sống tinh thần của họ, là dịp để người Thái thể hiện lòng thành kính, biết ơn đối với các bậc thần linh, tổ tiên, dịp để bà con dân bản tạ ơn công lao của các ông mo, bà máy - những người đóng vai trò nối kết giữa đời sống thực tại của bản làng và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà tổ tiên.

Với những nghi lễ thiêng liêng, những bài cúng của các thầy mo, họ cầu mong cho bản làng yên vui, sông suối nhiều nước, đầy cá, ruộng lúa tốt tươi, nhà nhà giàu có, mọi người đều khỏe mạnh, con cái thành đạt, nhà nhà cũng ăn nên làm ra. Đến với lễ hội Sết Boóc Mạy, mọi người đều mong chờ đến nghi lễ hạ cây Bông, khi bà máy, ông mo hái những bông hoa trên cây Bông đem tặng cho mọi người, họ nhận lấy với một niềm tin vào sự may mắn trong cuộc sống. Như vậy, lễ hội Sết Boóc Mạy đã mang đến cho đồng bào Thái giá trị cân bằng đời sống tâm linh. Trước cuộc sống đang còn nhiều khó khăn, vất vả, họ có cảm giác được chở che, bảo vệ bởi thần linh, tổ tiên và từ đó có niềm tin vào tương lai, lạc quan trong cuộc sống.

Sau những ngày lao động mệt nhọc, họ mong chờ đến lễ hội Sết Boóc Mạy để được thả mình vào không khí vừa linh thiêng vừa náo nhiệt qua các nghi lễ và trò diễn vui vẻ. Mọi người như được thăng hoa trong điệu múa kiếm, múa cá sa, âm thanh vui tai của khắc Luống, đắm mình trong hương vị ngọt ngào của rượu cần, hay được hòa mình vào tiếng chiêng, trống nhộn nhịp. Họ có cơ hội được thưởng thức nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật ngay trong việc trang trí cây Bông.

Lễ hội Sết Boóc Mạy không chỉ là cầu nối tâm linh giữa con người hiện tại với thần linh, giữa âm và dương, là nơi thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa của nhân dân mà còn có ý nghĩa gắn kết cộng đồng người Thái.

Tình nghĩa dân bản được thể hiện từ những ngày trước khi lễ diễn ra, mọi người trong bản đến nhà thầy hoặc trung tâm làng - nơi diễn ra lễ hội chính, những nơi diễn ra các nghi lễ để giúp chuẩn bị nguyên vật liệu tổ chức nghi lễ, cùng nhau trang trí cây Bông, làm cúp hụm… cùng tham gia trong quá trình hành lễ, trong các trò vui của lễ hội, ai cũng gắng sức, đồng lòng để có một nghi lễ diễn ra thuận lợi, tốt đẹp. Với sự tham gia đông đảo của bà con dân bản, lễ hội Sết Boóc Mạy trở thành cuộc vui của cả bản làng, trở thành ngày hội chung của cộng đồng. Từ đây mối quan hệ xóm bản càng thêm bền chặt.

Trong không khí vui tươi, phấn khởi, thăng hoa của buổi lễ, mọi người đến tham gia lễ hội gặp gỡ nhau, cùng múa hát và cầu chúc cho nhau những điều tốt lành. Lễ hội Sết Boóc Mạy đã mang đến những giá trị nhân văn, hướng tới chân, thiện, mỹ trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái.

7

Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể (Đánh giá sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, khả năng duy trì, phát triển hoặc nguy cơ mai một)

Trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái không thể thiếu vắng bà máy, ông mo. Khi các ông mo, bà máy còn thì lễ hội Sết Boóc Mạy vẫn tồn tại và phát triển, được gìn giữ và lưu truyền. Trải qua hàng trăm năm tồn tại và có những thay đổi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của con người, lễ hội Sết Boóc Mạy vẫn là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái.

Tuy nhiên, ở các bản, làng người Thái, số lượng ông mo, bà máy ngày càng ít đi do những thầy mo, bà máy già mất đi mà không tìm được người kế nghiệp hoặc những người nghệ nhân đột ngột mất đi, thế hệ trẻ người Thái tiếp xúc với thế giới hiện đại không còn lưu luyến văn hoá truyền thống. Đó là một trong những nguyên nhân khiến số lượng ông mo, bà máy - người chủ trì lễ hội Sết Boóc Mạy ngày càng ít đi. Hiện nay, có một số bản làng người Thái không duy trì tổ chức lễ hội Sết Boóc Mạy nữa. Nó chỉ tồn tại trong trí nhớ của người già và thi thoảng được tái hiện qua các tiết mục văn nghệ biểu diễn trên sân khấu. Do đó, lễ hội Sết Boóc Mạy trong tương lai rất dễ bị mai một, thậm chí mất đi hoàn toàn khỏi đời sống tinh thần người Thái.

Là một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hoá tâm linh tiêu biểu trong sinh hoạt đời sống của đồng bào dân tộc Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá. Lễ hội Sết Boóc Mạy trở thành một sinh hoạt văn hoá rất được đồng bào dân tộc Thái ở xã Cán Khê quan tâm chờ đón. Xuất phát từ ý nghĩa trên nên mỗi khi ở bản làng có lễ hội Sết Boóc Mạy thực sự là ngày hội tưng bừng đối với mọi người. Cũng từ lễ này những điệu nhảy những câu hát mang hình thức diễn xướng đã được nhiều đơn vị nghệ thuật quần chúng phát triển thành những tiết mục văn nghệ mang tính nghệ thuật truyền thống đáp ứng nhu cầu thưởng thức của mọi người trong các kỳ hội diễn hàng năm. Sinh hoạt lễ hội Sết Boóc Mạy đang còn là một nhu cầu lớn của đồng bào Thái ở xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá hiện nay. Vì vậy, cần được quan tâm nghiên cứu đầy đủ, nghiêm túc để loại bỏ đi những yếu tố không phù hợp với thời đại, yếu tố mê tín dị đoan. Đồng thời kế thừa và phát huy được những yếu tố tích cực, tốt đẹp của lễ hội Sết Boóc Mạy để đáp ứng cho đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

8

Các biện pháp bảo vệ (Trình bày các biện pháp, dự án đã, đang và sẽ thực hiện để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể).

a. Các biện pháp đang thực hiện:

- Thời gian gần đây, nhận thấy vai trò của lễ hội Sết Boóc Mạy trong đời sống văn hóa - tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, một số địa phương đã và đang có nhiều biện pháp bảo tồn gìn giữ phát huy giá trị lễ hội Sết Boóc Mạy. Đối với lễ hội Sết Boóc Mạy, hiện chính quyền địa phương hết sức quan tâm tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy các giá trị. Việc đầu tư kinh phí để bảo tồn một số trò diễn, sưu tầm những lời hát trong lễ tục, đặc biệt là sự truyền dạy di sản của một số nghệ nhân cao tuổi cho lớp trẻ đã làm cho di sản có sức sống lâu bền hơn. Từ năm 2007, lễ tục Sết Boóc Mạy  được ngành Văn hóa tỉnh Thanh Hóa đầu tư để phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị, khuyến khích các nghệ nhân làm cây Bông, sưu tầm và truyền dạy những bài hát; bố trí kinh phí để bổ sung các nhạc cụ và trang phục cho đồng bào tổ chức nghi lễ.

b. Các biện pháp đang và sẽ thực hiện:

- Tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ khoa học về văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của các tộc người. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu phát triển văn hoá. Ưu tiên bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc thiểu số, trong đó có lễ hội Sết Boóc Mạy của dân tộc Thái.

 - Tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu lễ hội Sết Boóc Mạy. Xây dựng và triển khai các đề tài cấp bộ, cấp tỉnh. Phối hợp với các cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức các cuộc Hội thảo khoa học về lễ hội Sết Boóc Mạy để hiểu sâu hơn, làm rõ nguồn gốc, giá trị tín ngưỡng, phân tích các nghi lễ, nghiên cứu các tục lệ, nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực để bảo tồn các giá trị tốt đẹp, loại bỏ các hủ tục lạc hậu.

- Nghiên cứu, chọn lọc, bài trừ những hủ tục có hại đến đời sống văn hóa của nhân dân; duy trì và phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực, giá trị về trang phục truyền thống dân tộc, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, nhạc cụ dân tộc, tri thức về y dược và các tri thức dân gian khác trong lễ hội Sết Boóc Mạy.

- Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới. Giữ gìn truyền thống văn hoá trong gia đình, trong làng, bản, tạo điều kiện cho quần chúng tiếp nhận thông tin về mọi mặt đời sống kinh tế xã hội và thực hiện quyền làm chủ của mình.

 - Tăng cường công tác tuyên truyền, cho đồng bào Thái biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tích cực trong lễ hội Sết Boóc Mạy và bài bỏ những hủ tục lạc hậu.

 - Ban hành chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân tiêu biểu:

Mỗi địa phương hàng năm phải tiến hành rà soát, nắm được số lượng, chất lượng của nghệ nhân đang nắm giữ và thực hành lễ hội Sết Boóc Mạy, quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của họ, kịp thời có những kế hoạch động viên nghệ nhân.

 + Về mặt tinh thần: Phong tặng danh hiệu cho những nghệ nhân tiêu biểu, tuyên dương ở các cấp như tỉnh, huyện, xã nhằm khuyến khích mọi người cùng tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy di sản lễ hội Sết Boóc Mạy.

 + Về mặt vật chất: Hỗ trợ kinh phí hàng năm cho những nghệ nhân tiêu biểu trong việc truyền dạy. Các chính sách ưu đãi như bảo hiểm y tế, khen thưởng vật chất. 

+ Có chính sách động viên thế hệ trẻ trong cộng đồng dân tộc Thái tìm hiểu, học hỏi và tiếp nối bảo tồn những nghi lễ tốt đẹp của thế hệ cha anh.

9

Danh mục tài liệu có liên quan

1. Hồ sơ gồm có:

a) Lý lịch di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Sết Boóc Mạy

b) Tập ảnh tư liệu;

c) Đĩa hình về di sản văn hóa phi vật thể lễ hội Sết Boóc Mạy

d) Bản đồ phân bố vị trí di sản văn hóa phi vật thể;

đ) Tư liệu khảo sát điền dã có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể;

e) Bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cá nhân chủ thể văn hóa, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể

g) Văn bản trao quyền sử dụng;

Danh mục Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh (2006), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

2. Ban nghiên cứu và biên soạn lịch sử Thanh Hoá (2000), Tên làng xã Thanh Hóa, tập I, Nxb Thanh Hóa

3. Phan Kế Bính (1990), Việt Nam phong tục, Nxb Tổng hợp Đồng Tháp.

4. Nguyễn Từ Chi (1996), Giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa các DTTS Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

5. Nguyễn Mạnh Cường (2008), Văn hoá tín ngưỡng một số dân tộc trên đất Việt Nam, Nxb Văn hoá.

6. Hội Văn Nghệ Dân gian Việt Nam, (2000), Góp phần nâng cao chất lượng sưu tầm nghiên cứu văn hóa dân gian, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

7. Phan Huy Lê (2015), Di sản văn hoá Việt Nam dưới góc nhìn lịch sử, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

8. La Quán Miên sưu tầm, dịch và biên soạn, (1996), Truyện thơ và đồng dao Thái, Nxb Nghệ An, Vinh.

9. Hà Nguyễn (2016), Tiểu vùng văn hoá xứ Thanh, Nxb Thông tin và Truyền thông.

10. Hoàng Tuấn Phổ (2019), Tinh hoa văn hoá xứ Thanh, Nxb Thanh hoá.

11. Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng sưu tầm, dịch, (1999),  Luật tục Thái ở Việt Nam, Nxb Dân Tộc, Hà

12. Nhiều tác giả (2000), Kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc.

13. Ngô Đức Thịnh (2001), Tín ngưỡng và văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội.

  

 

<

Tin mới nhất

LÝ LỊCH LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG LỄ HỘI SẾT BOÓC MẠY, XÃ CÁN KHÊ, HUYỆN NHƯ THANH, TỈNH THANH HOÁ(23/11/2024 1:27 CH)

Phê duyệt mẫu biểu trưng (logo) sử dụng chính thức trong các hoạt động tuyên truyền Kỷ niệm 70...(16/04/2024 10:13 SA)

Tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) xúc tiến thu hút khách du lịch Việt Nam(13/04/2024 10:16 SA)

Từ 15/3: Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn vào Việt Nam(09/03/2023 9:37 SA)

Chính phủ ban hành Nghị định mới giải quyết tình trạng thiếu vật tư, thiết bị y tế trong bệnh viện(04/03/2023 8:19 SA)

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 trường chuyên(04/03/2023 8:18 SA)

Lan tỏa giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam(25/02/2023 9:26 SA)

Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn mãi “soi đường cho quốc dân đi”(22/02/2023 9:29 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
326 người đã bình chọn
°
1530 người đang online