Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025

Đăng ngày 21 - 05 - 2025
100%

Sáng 21/5, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự (TKCN và PTDS) năm 2024; triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị còn có các Sở, Ban ngành của Tỉnh; thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh.

Tại điểm cầu huyện Như Thanh có đồng chí Đặng Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện, Chủ trì tại điểm cầu UBND huyện; đồng chí Hàn Văn Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện; Các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện; Thủ trưởng các đơn vị và điểm cầu của 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Theo báo cáo, năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra và chịu ảnh hưởng của 27 trận thiên tai, bao gồm: 3 cơn bão, 1 đợt rét hại, 5 trận lốc, sét; 8 đợt mưa lớn; 1 trận lũ quét... Tai nạn, sự cố xảy ra 946 vụ, gồm: 779 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, 94 vụ cháy, 33 vụ đuối nước, 36 vụ tai nạn trên biển... Thiên tai làm 3 người chết, 3 người bị thương, 1.064 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 42 điểm trường bị ảnh hưởng...

Để ứng phó với sự cố thiên tai, cấp ủy, chính quyền các cấp cơ bản đã triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác PCTT, TKCN và PTDS; trong đó xác định PCTT, TKCN và PTDS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cấp bách, thường xuyên, liên tục; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả PCTT, TKCN và PTDS.

Công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai đã được chú trọng và đổi mới theo hướng chặt chẽ, sâu sát, quyết liệt, linh hoạt, bám sát thực tiễn, nên đã giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Lực lượng làm công tác PCTT, TKCN và PTDS các cấp đã chủ động trong công tác triển khai nhiệm vụ, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên theo dõi thời tiết, thiên tai, sự cố; có bản lĩnh, kinh nghiệm, luôn sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Chính quyền các cấp đã bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch phòng thủ dân sự, ứng phó với các thảm họa, sự cố, PCTT và phương án ứng phó thiên tai; tổ chức diễn tập, huấn luyện triển khai các kế hoạch, phương án ở cấp cơ sở, đặc biệt là khu vực xung yếu, trọng điểm.

Trong các đợt mưa lũ, đã tổ chức tính toán theo dõi, thực hiện công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã, đặc biệt là các hồ Cửa Đạt, Trung Sơn đảm bảo an toàn công trình và góp phần cắt giảm lũ cho hạ du...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh cũng như qua triển khai thực hiện từ cơ sở, công tác PCTT, TKCN và PTDS vẫn bộc lộ những tồn tại, hạn chế chưa được xử lý dứt điểm như: Một số chính quyền địa phương còn có tâm lý chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng nức tới công tác PCTT. Việc chuẩn bị và thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, nhất là việc chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm ở một số nơi chưa đầy đủ; công cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra...

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm từ thực tiễn PCTT, TKCN tại các đơn vị, địa phương. Đặc biệt là phương án xử lý các điểm nguy cơ xảy ra sạt lở, cảnh báo lũ ống, lũ quét trên địa bàn; việc bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn... Đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm đáp ứng yêu cầu PCTT, TKCN trong thời gian tới.

 Đồng chí Đặng Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Như Thanh phát biểu ý kiến tại hội nghị điểm cầu huyện Như Thanh.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị điểm cầu huyện Như Thanh, đồng chí Đặng Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS huyện Như Thanh cho biết: Là huyện miền núi của tỉnh thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, nắng nóng... Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTT, năm 2024 huyện đã nghiêm túc chấp hành, thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác chuẩn bị cho công tác PCTT; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, giải pháp để phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Năm 2025 huyện đã chỉ đạo kiện toàn ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS các cấp. Huyện đã ban hành 17 văn bản các loại để chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành công tác PCTT năm 2025; ban hành Kế hoạch giao vật tư, kiểm tra các công trình trước mùa mưa lũ; thống kê, rà soát, xây dựng phương án di chuyển các hộ dân đang sinh sống ở vùng có nguy cơ ảnh hưởng thiên tai.

Thành lập các tổ công tác, nòng cốt là thành viên Ban chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS cấp huyện, các phòng, đơn vị liên quan và UBND các xã, thị trấn để kiểm tra các công trình trước mùa mưa lũ, qua đó đánh giá công trình nguy cơ mất an toàn năm 2025, gồm 12 hồ, 7 tuyến kênh mương, 2 trạm bơm tại 6 xã; kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư và các điều kiện phục vụ công tác PCTT năm 2025.

Triển khai nghiêm túc công tác chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Trong đó, tăng cường đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi; nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; rà soát, bổ sung hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất... Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCTT để Nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là ở những khu vực có nguy cơ cao có khả năng xảy ra thiên tai để Nhân dân hiểu và thực hiện.

Đối với công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, huyện chỉ đạo khảo sát, đánh giá tổng thể tình hình thực tế của từng hồ chứa mất an toàn; trên cơ sở đó xây dựng và phê duyệt phương án đảm bảo an toàn cho phù hợp đối với từng công trình theo phương châm "4 tại chỗ”.

Phương án đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra thiên tai: trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp số hộ, số khẩu đang sinh sống ở vùng trũng thấp, tại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thực tế để lựa chọn các vị trí phù hợp với khoảng cách, khả năng, mức độ đảm bảo để di chuyển các hộ có nguy cơ mất an toàn khi thiên tai xảy ra đến các vị trí an toàn...

Đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang nêu rõ: Dự báo tình hình thiên tai, sự cố trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường. Để chủ động phòng ngừa, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố, thảm hoạ gây ra, các cấp, các ngành phải xác định công tác PCTT, TKCN và PTDS là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Ngay sau khi hoàn thành việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, yêu cầu chính quyền cấp xã phải khẩn trương kiện toàn tổ chức, bộ máy và hoạt động của cơ quan tham mưu, chỉ huy điều hành PCTT, TKCN và PTDS của địa phương đảm bảo theo quy định; tuyệt đối không để khoảng trống trong công tác chỉ huy điều hành, nhất là trong thời kỳ cao điểm của mùa mưa lũ năm 2025.

Tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch ứng phó với các thảm họa, sự cố, kế hoạch PCTT và phương án ứng phó thiên tai năm 2025 sát với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần với mức cao nhất theo phương châm “4 tại chỗ” tại các địa bàn xung yếu để sẵn sàng triển khai ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, sự cố, tai nạn, giảm tối đa thiệt hại.

Chủ động, sẵn sàng triển khai ứng phó ngay khi có thiên tai, sự cố xảy ra; tập trung huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời tổ chức ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Thường xuyên rà soát, kiểm tra hệ thống công trình đê điều, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai khác, đặc biệt là các vị trí trọng điểm, xung yếu, các công trình hư hỏng, mất an toàn và các công trình đang thi công dở dang, kịp thời phát hiện các sự cố mới phát sinh, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình để kịp thời tu sửa hoặc xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa lũ...

Nhân dịp này, 18 tập thể và 25 cá nhân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác PCTT&TKCN năm 2024.

Ý kiến bạn đọc
    <

    Tin mới nhất

    Đại hội Chi bộ Hạt Kiểm lâm Như Thanh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2025-2030(23/05/2025 4:24 CH)

    Chi bộ trường THPT Như Thanh 2 tổ chức Đại hội Chi bộ lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030(23/05/2025 2:57 CH)

    Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tiến độ thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh(23/05/2025 2:29 CH)

    Đại hội Chi bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Thanh lần thứ V, nhiệm kỳ 2025-2030 thành...(23/05/2025 2:24 CH)

    Trao tặng sổ tiết kiệm cho các em nhỏ mồ côi cả cha và mẹ hai xã Mậu Lâm và Phượng Nghi(23/05/2025 2:15 CH)

    Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở tại xã...(23/05/2025 2:13 CH)

    “Ngày hội kỹ năng sống” cho trẻ em tại 4 xã dự án ở Như Thanh(22/05/2025 4:39 CH)

    Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng...(21/05/2025 2:38 CH)

    Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
    377 người đã bình chọn
    °
    537 người đang online