Chiều 27/3/2025, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo tỉnh) đã tổ chức hội nghị trực tuyến để đánh giá tình hình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn 11 huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự và chủ trì tại điểm cầu Huyện Như Thanh có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trong 2 năm 2024-2025 huyện Như Thanh; đồng chí Đặng Tiến Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND; trưởng các phòng ban đơn vị; thành viên ban Ban chỉ đạo huyện
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo tỉnh, đến ngày 25/3/2025, toàn tỉnh đã hỗ trợ khởi công xây dựng và sửa chữa nhà ở được 6.089 hộ/căn nhà, trong đó xây mới là 4.691 hộ/căn; sửa chữa là 1.398 hộ/căn. Hiện các huyện miền núi còn 8.977 hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, trong đó xây mới 5.930 hộ/căn nhà; sửa chữa 3.047 hộ/căn nhà.
 |
Phát biểu thảo luận tại hội nghị đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện uỷ đã báo cáo tiến độ trong việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Như Thanh. Theo đó, Huyện xác định thực hiện Chỉ thị 22 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn và tính nhân văn sâu sắc, là việc làm thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong năm 2024-2025. Để bảo đảm công khai, dân chủ trong bình xét, phân loại đối tượng, huyện yêu cầu các xã, thị trấn cần làm tốt công tác điều tra, rà soát, nắm chắc số hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần sát sao với các hộ gia đình được hỗ trợ làm nhà ở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên, khuyến khích các hộ làm nhà mới, sửa chữa nhà hợp lý, tránh lãng phí; vận động anh, em dòng họ, bà con lối xóm cùng chung tay góp tiền, ngày công giúp các hộ nghèo làm nhà. Trong năm 2024 có 52 hộ đã được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Bí thư Huyện uỷ Nguyễn Tiến Dũng đề xuất, kiến nghị với Ban chỉ đạo của tỉnh những giải pháp nhằm hoàn thành xây dựng nhà ở theo Chỉ thị số 42 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trên địa bàn huyện Như Thanh.
 |
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên ghi nhận và đánh giá cao tinh thần quyết liệt, quyết tâm, trách nhiệm của Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện miền núi trong việc chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tuy nhiên, qua các ý kiến phát biểu tại hội nghị cho thấy trong thời gian tới, việc triển khai thực hiện xây dựng nhà ở cho các đối tượng còn rất lớn, trung bình từ nay đến ngày 30/10/2025, bình quân mỗi ngày toàn tỉnh phải làm xong 43 căn nhà, là con số không nhỏ. Nếu không quyết tâm, không quyết liệt thì sẽ không hoàn thành. Qua hai đợt triển khai thực hiện, nổi lên 7 nhóm khó khăn cần giải quyết đó là: Tổng kinh phí chưa phân bổ của cả ba cấp còn rất lớn; tổng kinh phí cần phải huy động cũng rất lớn; các huyện miền núi còn 8.977 hộ cần hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; danh sách các hộ gửi xuống tỉnh còn sai sót nhiều, bên cạnh đó các huyện báo cáo về tỉnh còn chậm; một số huyện vướng mắc về thủ tục đất đai; việc huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân, đoàn thể ở một số địa phương để hỗ trợ ngày công xây dựng chưa thật tốt; việc thực hiện chương trình ổn định dân cư, chống lũ ống, lũ quét thuộc Đề án 4845 giải ngân chậm.
Trên cơ sở chỉ rõ những mặt còn vướng mắc, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu 11 huyện miền núi sau hội nghị này phải rà soát lại một cách chính xác danh sách các hộ cần hỗ trợ, báo cáo về Sở Dân tộc và Tôn giáo - là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh và Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để trình UBND tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo giải quyết.
Sở Dân tộc và Tôn giáo sau hội nghị này nhận bàn giao công việc, nhiệm vụ từ Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh trên cơ sở danh sách của UBND tỉnh sớm phân bổ số kinh phí hỗ trợ để các huyện triển khai theo quy định và theo dõi, giám sát việc sử dụng kinh phí, cũng như tiến độ chung của toàn tỉnh. Cùng với đó, chịu trách nhiệm tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh có văn bản yêu cầu các huyện miền xuôi phân bổ kinh phí làm nhà tại huyện phải phân bổ hết, nếu còn dư kinh phí chuyển về tỉnh để phân bổ cho các huyện miền núi. Bên cạnh đó, Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh có nhiệm vụ đôn đốc các huyện, đơn vị, doanh nghiệp nhà hảo tâm đã đăng ký hỗ trợ chuyển kinh phí.
Đối với vấn đề đất đai, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên giao Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các huyện giải quyết những khó khăn, vướng mắc để triển khai xây dựng nhà cho người dân. Về vấn đề vướng mắc trong giải ngân các nguồn vốn của chương trình giảm nghèo và chương trình phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền núi, giao Sở Dân tộc và Tôn giáo nghiên cứu hướng dẫn các huyện giải quyết.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy một lần nữa yêu cầu đối với nguồn kinh phí xây dựng xóa nhà tạm, nhà dột nát phải thực hiện đúng mục đích, không được dùng để làm việc khác. Với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, các huyện phấn đấu hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong tháng 10/2025.